Báo chí và doanh nghiệp đồng hành, cùng thắng
Báo chí và doanh nghiệp: Mối quan hệ cộng sinh, khăng khít
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm rưỡi qua, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo… Đất nước thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép” đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
“Trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin xấu độc gây hoang mang dự luận, thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm”, ông Minh nhận định.
“Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan tỏa tới công chúng”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói thêm.
Tương tự quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và doanh nghiệp luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế”.
Theo ông Lợi, trong môi trường truyền thông hội tụ hiện nay, báo chí không chỉ cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho cộng đồng, mà còn cảnh báo, phản biện nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất. Không ít cơ quan báo chí và nhà báo luôn sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế theo dõi, phân tích tình hình kinh tế để kịp thời đưa ra những dự báo, giúp các doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn.
“Mặt khác, ngoài vai trò “thiết lập chương trình nghị sự”, báo chí có thể tác động đến chủ trương, chính sách, ảnh hưởng trực tiếp “miếng cơm, manh áo” của doanh nghiệp, nhất là vai trò quan trọng trong quản trị truyền thông", ông Lợi nói thêm. "Trong đời sống hiện nay, khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi sản phẩm chất lượng không hoàn hảo, hoặc thậm chí chỉ là một tin đồn ác ý có liên quan đến doanh nghiệp, như “quả bom” có sức công phá kinh khủng… Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí để xử lý khủng hoảng là rất quan trọng, bởi chỉ có báo chí đưa ra những thông tin khách quan mới trấn an được dư luận”.
Để báo chí và doanh nghiệp “cùng thắng”
Để báo chí và DN đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển bền vững, tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất thực tiễn.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin tới cơ quan báo chí, ngược lại, các cơ quan báo chí minh bạch hơn trong xử lý thông tin. Qua đó, tạo ra sự hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp, vì sự minh bạch chính là nền tảng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa báo chí và doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp giữa ba bên: báo chí - doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước hay hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp trước tiên cho người làm báo. Mặt khác, các phóng viên phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin rõ ràng, khách quan, đa chiều, không mập mờ, gây hoang mang.
Ngược lại, doanh nghiệp cần sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với báo chí và cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông theo kịch bản đã được thống nhất trước; hướng tới minh bạch hóa thông tin; tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực tiếp tránh bị các tin đồn, tin không chính xác xuất hiện trên mạng xã hội và bị “chính thống hóa” trên báo chí.
Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cũng khẳng định tầm quan trọng của việc báo chí và doanh nghiệp hợp tác, đồng hành dựa trên mối quan hệ biện chứng, tương hỗ lẫn nhau, chứ không phải đối đầu, hai bên cùng mang lại lợi ích cho nhau theo phương châm cả hai bên cùng thắng (win-win). Trong đó, một bên cung cấp các sản phẩm về truyền thông, một bên có sự hỗ trợ về tài chính để cơ quan báo chí có nguồn lực hoạt động và nâng cao chất lượng, độ phủ thông tin.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin báo chí về thương hiệu, sản phẩm của mình để báo chí có thể thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất, kịp thời nhất để tránh những thông tin bất lợi ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp, thậm chí đến cả nền kinh tế nói chung.
“Để mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp ngày càng bền chặt, vì sự phát triển bền vững, hơn lúc nào hết, cả hai bên đều phải cùng nhau chia sẻ khó khăn, thuận lợi với nhau để giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn; đồng thời báo chí cũng có những nguồn lực để nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo hoạt động lành mạnh, bền vững”, ông Lưu Quang Định khẳng định.