Báo Mỹ: VinFast là ngôi sao mới trên thị trường xe điện thế giới
Suốt 75 năm qua, nhiều startup đã cố gắng thâm nhập thị trường xe Mỹ nhưng về cơ bản không có cái tên nào thành công.
Tesla là một ngoại lệ do đã tận dụng được sự quan tâm ngày càng lớn dành cho xe điện. Doanh số bán hàng của Tesla đã tăng gấp đôi trong năm ngoái lên mốc 960.172 xe.
Và với 2 nhà máy sắp mở cửa ở Berlin, Đức và Taxas, Mỹ, Tesla được kỳ vọng sẽ nhanh chóng cán mốc 1 triệu xe trong năm nay. Tesla mang đến niềm hy vọng cho nhiều startup khác cũng có thể đạt được thành công tương tự.
Dưới đây là danh sách những hãng xe điện mà theo tờ NBC News là đáng quan tâm nhất hiện nay:
Những cái tên đáng chú ý nhất
Rivian
Phần lớn các nhà phân tích đều đồng ý rằng Rivian là cái tên mạnh nhất trong các startup mới. Rivian có nguồn lực tiền mặt vững vàng và có nhiều "ông lớn" đầu tư như Ford và Amazon. Hiện tại, dịch vụ Prime của Amazon đã đặt đơn hàng 100.000 xe tải giao hàng của Rivian.
Bên cạnh đó, chiếc xe bán tải Rivian R1T hiện cũng đã được bán ra thị trường. Mặc dù vướng mắc trong sản xuất đang làm nhiều nhà đầu tư lo lắng, Rivian hiện vẫn đang có giá trị vốn hoá 90 tỷ USD, cao hơn cả GM và Ford.
Lucid
Ông Peter Rawlinson, CEO và giám đốc công nghệ của Lucid, chính là người đã giúp "định hình" chiếc Tesla Model S. Những kinh nghiệm tại Tesla đã giúp ông đặt ra tiêu chuẩn cho chiếc sedan Lucid Air của startup do chính ông sáng lập. Những phiên bản đầu tiên của chiếc xe này hiện đã được bán ra với nhiều thông số ấn tượng như động cơ 1.100 mã lực và phạm vi hoạt động 500 dặm. Mặc dù có những thông số dẫn đầu thị trường, giá chiếc xe không hề thấp, lên tới 160.000 USD. Lucid hiện đang có kế hoạch ra mắt các mẫu sedan và SUV phổ thông hơn.
Fisker
Fisker lấy cảm hứng tên gọi của mình từ Henrik Fisker, một nhà thiết kế của Aston Martin. Ông từng ra mắt thương hiệu xe riêng đầu tiên có tên Karma. Thương hiệu này thất bại song Fisker đang trở lại với một thương hiệu mới tập trung vào xe điện cùng một mô hình kinh doanh kỳ lạ. Chiếc SUV Ocean do chính Fisker thiết kế song hoạt động sản xuất được thuê ngoài để tiết kiệm chi phí. Các mẫu xe trong tương lai cũng sẽ áp dụng các chiến lược tương tự.
Polestar
Polestar có nhiều điểm khác biệt so với những cái tên khác trong danh sách này vì nó được tách ra từ Volvo và công ty mẹ Trung Quốc Geely. Mẫu xe đầu tiên của Polestar là phiên bản plug-in hybrid giới hạn. Tuy nhiên, chiếc Polestar 2 SUV sẽ hoàn toàn chạy bằng điện.
Nio
Nio, một trong số những startup xe điện Trung Quốc, có nhiều quyết tâm thâm nhập thị trường Mỹ. Sau khi "vật lộn" vì thiếu vốn trong năm 2019, Nio đang được đẩy mạnh đầu tư và bắt đầu có doanh số bán hàng tăng trưởng. Xe Nio cũng dùng cơ chế thay pin thay vì bắt các tài xế đợi sạc. Cách tiếp cận này có cách điểm yếu song cùng có sức hấp dẫn nhất định với người mua thương mại.
Những ngôi sao đang lên
VinFast
VinFast được thành lập từ năm 2017 và có mẫu xe chạy xăng SUV đầu tiên lên kệ 2 năm sau đó. Mới đây, VinFast giới thiệu 5 mẫu xe điện mới tại sự kiện CES đồng thời tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe xăng, tập trung hoàn toàn vào xe điện từ cuối năm nay. Gần đây, VinFast trải qua những biến động tương đối lớn về mặt nhân sự nhưng "nếu một công ty từ một quốc gia nào đó có thể biến điều này thành hiện thực, đó sẽ là Việt Nam", Michael Dunne, giám đốc công ty tư vấn ZoZo Go, nói. "Họ là những người kiên cường, nhiều tham vọng nhất trên thế giới".
Canoo
Canoo là startup xe điện có lối thiết kế táo bạo để tối ưu không gian bên trong xe cho hành khách và hàng hoá chuyên chở. Mặc dù thiết kế của Canoo thu hút nhiều sự chú ý, "không có gì chắc chắn rằng người dùng sẽ muốn mua chúng", ông Sam Abuelsamid, nhà phân tích trưởng ngành xe tại Guidehouse Insight, nhận định.
Atlis
Atlis là startup tập trung vào mảng xe điện bán tải. Điều thu hút nhiều sự chú ý nhất về Atlis là công nghệ pin mà nó đang sử dụng. Các cell pin vuông của hãng này được thiết kế để có thể mang theo tới 1 megawatt điện năng, đồng nghĩa với việc bạn có thể sạc đầy pin Atlis trong thời gian tương đương đi đổ xe xăng.
Tương lai không chắc chắn
Faraday Future
Vài năm trước, Faraday Future được nhiều người đánh giá là Tesla tiếp theo. Faraday Future giới thiệu nhiều concept xe thu hút được sự quan tâm như siêu xe FF91 nhưng chưa thể đưa vào sản xuất. Sau khi người sáng lập tỷ phú Trung Quốc rút ra khỏi Faraday Future, startup này đã phải dừng hoạt động sản xuất tại một nhà máy lắp ráp ở Arizona. Từ thời điểm đó, Faraday Future nhiều lần thay đổi kế hoạch và vẫn đang chật vật gọi vốn.
Byton
Byton có "số phần" tương tự Faraday Future. Từng là một startup tiềm năng khi giới thiệu concept xe M-Byte 2 năm trước tại CES, Byton liên tục gặp nhiều vấn đề như thay đổi đội ngũ lãnh đạo hay thiếu vốn. Byton hiện đã từ bỏ trụ sở tại Mỹ để trở lại Trung Quốc.
Bollinger
Bollinger là một startup xe tải với năng lực hấp dẫn, dù vậy, kế hoạch sản xuất của nó liên tục chậm tiến độ. Một số nguồn tin nói rằng Bollinger cũng đang nằm trong tình trạng thiếu vốn.
Lordstown Motors
Lordstown Motors từng được xem như một ngôi sao với dòng xe bán tải thương mại Endurance. Dù vậy, một báo cáo của Hindenburg khẳng định doanh số đặt trước mà Lordstown Motors từng công bố là "giả". Từ đó, vốn gọi được qua một thương vụ SPAC biến mất và Lordstown Motors cũng phải bán nhà máy ở Ohio. Dù vậy, Lordstown Motors vẫn có cơ hội duy trì khi Foxconn nói rằng hãng này có thể sẽ phát triển chiếc Endurance.