Bất chấp dịch Covid-19, hơn 19 tỷ USD vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam trong 8 tháng

06:30 | 27/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến 20/8/2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với năm 2020.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 36,8%) với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ) và 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%) với số đạt gần 5 tỷ USD (tăng 2,3% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, có 2.720 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) (giảm 43,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (cũng giảm 43,4% so với cùng kỳ).

Trong 8 tháng đầu năm 2021, các dự án ĐTNN dự tính đã giải ngân được 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tác động của dịch Covid19, một số nhà máy tại các khu công nghiệp bị ngưng trệ hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 7 tháng năm 2021. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt 156,9 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 155,9 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu.

Bất chấp dịch Covid-19, hơn 19 tỷ USD vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam trong 8 tháng - ảnh 1

Tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021.

Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu từ vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7 % tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD. 

Theo đối tác đầu tư, đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5% so với cùng kỳ 2020.

Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 79,4% và 73,9% tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…

Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,8% tổng vốn đầu tư của Long An).

TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 3 với gần 1,7 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội,..

Tuy nhiên nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới (34%), trong đó số lượt dự án điều chỉnh (18,3%) và góp vốn mua cổ phần (59,8%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút FDI trong 8 tháng, song xếp thứ 2 về số dự án mới (21,5%), số lượt dự án điều chỉnh (14,2%) và góp vốn mua cổ phần (12,1%).

Năm 2020, Việt Nam hút gần 29 tỷ USD vốn FDI

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù tác động của dịch Covid-19 song thu hút vốn FDI năm 2020 đã đạt 28,5 tỷ USD và có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn của các nhà đầu tư.

Trong đó, có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%.

Bên cạnh đó, còn có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD.

Mặc dù, chịu ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình thu hút FDI của Việt Nam, song vốn thực hiện của các dự án này vẫn đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch.

Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%; sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký tương ứng gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD…


Minh Tuấn

Xem thêm: FDI 6 tháng đạt 15,27 tỷ USD: Giảm về lượng, tăng về chất