Bất động sản công nghiệp vẫn được quan tâm, khu phía Nam 'bùng nổ'

Đông Bắc 12:56 | 05/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thống kê của Hội Môi giới bất động sản VN (VARS) cho thấy, trong top 10 dự án bất động sản được quan tâm nhiều nhất thì có đến 4 dự án khu công nghiệp.

  

Theo Báo cáo tổng hợp của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá trị tăng thêm toàn ngành  công nghiệp trong quý III/2023 đạt 4,57%, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tại quý I,II.

Nhiều dự án khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, hầu hết các thương vụ M&A thành công thuộc về M&A các khu công nghiệp với người mua là nhà đầu tư nước ngoài như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… mở ra nhiều tiềm năng cho bất động sản khu công nghiệp.

Đồng thời, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các thành phố lớn, đặc biệt là các khu công nghiệp cấp 1 đạt mức trên 80%.

 Bất động sản công nghiệp nhận được nhiều quan tâm. Ảnh BĐS.

Trong top 10 dự án được quan tâm nhiều nhất, có đến 4 dự án khu công nghiệp gồm:

Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1: KCN này nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu Liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích 2.377,5 ha, đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2563/QĐ-UBND 1/9/2016.

Dự án có quy mô 1.070 ha với tổng số vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng do Tổng Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sơn Mỹ làm chủ đầu tư.

Dự án là khu công nghiệp đa ngành, tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; ngành sản xuất chế tạo thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm và Trung tâm điện lực.

Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 được chia thành 2 khu, 3 cụm công nghiệp và khu hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có dự án Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (200 ha) và khu kho cảng khí LNG (100 ha).

Khu 1 với diện tích 21,15 ha kết nối trực tiếp QL55 và trục đường chính trung tâm. Khu 2 với diện tích 81 ha được quy hoạch để phát triển khu dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp.

Được biết, giá thuê đất tại khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 vào khoảng 80 USD/m2 (hơn 1,9 triệu đồng), so với một số khu công nghiệp trong khu vực đây là mức giá tương đối cao;

Khu công nghiệp Amata Long Thành: Dự án có tổng diện tích 410ha, nằm trên địa bàn hai xã Tam An và An Phước của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu công nghiệp tiếp giáp với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cách Sân bay quốc tế Long Thành 10km, kết nối cảng biển - sân bay thông suốt.

Dự án sẽ ưu tiên các nhóm ngành sản xuất công nghệ thế hệ mới, tạo ra giá trị gia tăng về công nghệ kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư của dự án là 282 triệu USD.

Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đô thị Amata Long Thành vào giữa năm 2015.

Ngoài dự án này, Tập đoàn Amata còn triển khai nhiều dự án khu công nghiệp tại Đồng Nai như khu công nghiệp Amata có diện tích 494 ha, Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 1 diện tích 5,5 ha, vốn đầu tư 23 triệu USD; Thành phố Amata Long Thành diện tích 753 ha, tổng vốn đầu tư 309 triệu USD.

Mặc dù đang trong giai đoạn đang triển khai, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Amata đã tiếp nhận rất nhiều nhu cầu thuê đất xây dựng dự án với hơn 40 nhà đầu tư quan tâm, nhu cầu thuê trên 300 ha đất công nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc…;

Khu công nghiệp Sông Lô II: Dự án được xây dựng tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, định hướng trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ hiện đại và hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm điện năng.

Đây là khu công nghiệp tập trung đa ngành; trong đó ưu tiên thu hút dự án ở các lĩnh vực gồm: cơ khí; sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy; sản xuất linh kiện, thiết bị cơ khí chính xác; sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện dân dụng; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, sản phẩm nhựa...;

SHI IP Tam Dương: Khu công nghiệp SHI IP được xây dựng trên địa bàn các xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 162,33 ha. Trong đó tổng diện tích cho thuê là 116,03 ha và 5,59 ha là khu thương mại dịch vụ, điều hành phục vụ tiện ích cho khu công nghiệp.

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng, dự kiến bàn giao mặt bằng lần 1 vào quý IV/2023 và bắt đầu đi vào hoạt động từ quý III/2024.

Ngoài xây dựng các hạng mục chính, chủ đầu tư cũng đầu tư xây dựng hạ tầng cảnh quan như cây xanh, hồ nước, khu dạo bộ, khu công viên tập trung được xây dựng xen kẽ với các nhà xưởng.

Được biết, dự án đang trong giai đoạn bàn giao mặt bằng, dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2024.

Cần Thơ phấn đấu có thêm 14 khu công nghiệp đến năm 2030

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

 

 Cần Thơ dự kiến có thêm 14 dự án Khu công nghiệp. Ảnh BCT.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.

Theo định hướng phát triển các khu chức năng, đến năm 2030 Cần Thơ có 14 khu công nghiệp  thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha.

Trong đó có 7 khu công nghiệp đã thành lập gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc 1 (135 ha), Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (155 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (262 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2 (67 ha), Khu công nghiệp Thốt Nốt (74,87 ha), Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (293,7 ha).

Cần Thơ cũng định hướng thành lập các khu công nghiệp mới khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trong đó tại huyện Vĩnh Thạnh có Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) với diện tích hơn 606 ha; Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 (519 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 3 (675,45 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4 (815 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 5 (2.550 ha); Khu công nghiệp Cờ đỏ - Thới Lai (1.070 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn (250 ha).

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn quận Bình Thủy, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh với diện tích dự kiến khoảng 300 ha.