BCTC quý I của các ngân hàng cho thấy 'một lớp nợ xấu mới đang có xu hướng hình thành'
NIM khó cải thiện trong vài quý tới
Theo báo cáo triển vọng ngành mới nhất của Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS), đà phục hồi lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp trên sàn đang chứng kiến xu hướng chững lại. Cụ thể, mức tăng trưởng lợi nhuận toàn sàn đạt 21,5% so với cùng kỳ, chưa bằng một nửa so với mức tăng trưởng lợi nhuận 56,6% của quý IV/2023.
Trong đó, nhóm đóng góp tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng (50-60% lợi nhuận của VN-Index, theo báo cáo của ACBS) đang cho thấy những khó khăn trong tăng trưởng lợi nhuận. Trong quý I/2024, ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 9,6% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay của toàn ngành (19,4%).
Tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết trong quý I đạt 1,9% so với đầu năm và 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng có sự phân hóa ở các ngân hàng, điều được đánh giá là hiếm xảy ra trong giai đoạn trước. Cụ thể, top 5 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trong quý I lần lượt là LPB (11,7%), TCB (7,1%), HDB (6,2%), EIB (4,7%), MSB (4,7%). Ở chiều ngược lại, top 5 nhà băng có tăng trưởng tín dụng thấp nhất lần lượt là ABB (-19,2%), NVB (-4,2%), TPB (-3,3%), PGB (-1,8%) và BVB (-1,2%).
Theo nhóm phân tích, các ngân hàng có tỷ lệ khách hàng doanh nghiệp lớn hoặc tập trung nhiều vào phân khúc bất động sản đã báo cáo tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các ngân hàng có truyền thống bán lẻ. Điều này đồng nghĩa tăng trưởng tín dụng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn trong khi cho vay khách hàng cá nhân vẫn tăng chậm.
Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm và lãi suất cho vay hạ nhanh hơn lãi suất huy động, biên lãi thuần (NIM) của ngành - vốn được kỳ vọng tiếp tục cải thiện so với mức 3,81% của quý IV/2023 nhờ nền lãi suất thấp ổn định lâu dài - lại suy giảm xuống còn 3,67%. ACBS nhận định với dự báo lãi suất huy động có thể tăng lên trong thời gian tới, trong khi nhu cầu tín dụng chưa đủ mạnh, NIM của các ngân hàng khó cải thiện trong vài quý tới.
Một lớp nợ xấu mới đang có xu hướng hình thành, áp lực trích lập dự phòng còn khá lớn
Một xu hướng khác có thể thấy trong báo cáo tài chính các ngân hàng quý I/2024 là nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đang tăng lên.
Xét về tổng nợ nhóm 2, nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) và nợ tái cơ cấu thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II - quý III/2020 (thời điểm dịch COVID-19), nhưng xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) và nợ nhóm 2 lại tăng lên đáng kể cho thấy một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành, báo cáo của ACBS nhận định.
Bên cạnh đó trong giai đoạn quý II/2020-quý II/2021 và quý III/2021- quý I/2023, nợ tái cơ cấu có xu hướng giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên từ quý II/2023 đến nay, nợ tái cơ cấu đang cho thấy xu hướng tăng dần.
Trong khi đó tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) lại tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023. Điều này cho thấy áp lực trích lập dự phòng của toàn hệ thống trong thời gian tới vẫn còn khá lớn.
Một yếu tố khác mà các chuyên gia ACBS cho rằng có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro và gây thêm áp lực dự phòng trong các quý tiếp theo là xu hướng lãi dự thu phình to.
Theo đó, lãi dự thu của các ngân hàng đang tiếp tục xu hướng tăng dần trong quý I vừa qua mặc dù lãi suất cho vay giảm. Số ngày lãi phải thu đã tăng từ mức 86 ngày vào quý II/2022 lên 116 ngày vào cuối quý I/2024.
“Đây là rủi ro tiềm ẩn của hệ thống, vì không chỉ có nguy cơ làm giảm thu nhập lãi trong tương lai - khi không thu được và phải thoái lãi dự thu - mà còn gây nên áp lực dự phòng khi chuyển nhóm nợ xấu.