Bí quyết đưa Duy Tân trở thành thương hiệu dẫn đầu của `vua nhựa` Trần Duy Hy
Trong khi khi sản phẩm nhựa Duy Tân được biết đến rộng rãi từ dân dụng cho tới công nghiệp, thì chân dung nhà sáng lập công ty này vẫn là một ẩn số với nhiều người
Chủ tịch Trần Duy Hy là ai?
Chủ tịch Trần Duy Hy sinh năm 1959 tại miền quê Vĩnh Long sông nước. Ông rời Vĩnh Long để lên TP.HCM học ngành cơ khí, đại học Bách Khoa. Năm 28 tuổi, ông lập tổ hợp sản xuất nhựa Duy Tân, ghép chữ “Duy”, tên đệm dùng để gọi ông trong gia đình có nhiều anh em có cùng tên và chữ “Tân” nghĩa là sự đổi mới.
Chân dung chủ tịch Trần Duy Hy của nhựa Duy Tân
Trong 33 năm dẫn dắt công ty ông chủ này luôn giữ phong thái kín kẽ trong đối ngoại, thậm chí được cho là ít khi phát biểu dài dòng trước nhân viên.
Hành tình xây dựng nhựa Duy Tân
Xuất phát điểm của Duy Tân là một tổ hợp sản xuất nhựa được ông Trần Duy Hy và vợ thành lập năm 1987. Ban đầu, công ty làm bao bì nhựa chất tẩy rửa, vệ sinh cá nhân. Năm 1990, nhận thấy thị trường nhựa gia dụng Việt Nam tăng trưởng mạnh, tận dụng công suất máy móc, Duy Tân thử nghiệm sản xuất thêm đồ gia dụng.
Những năm 1990, tỉ lệ nhựa gia dụng Việt Nam lên tới 60% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành, theo hiệp hội Nhựa Việt Nam, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt và cuộc sống với ưu điểm giá thành rẻ, sản xuất trong nước có chi phí cạnh tranh hơn sản phẩm nhập khẩu do kích thước cồng kềnh, khó vận chuyển.
Ông Trần Duy Hy chụp ảnh cùng các đối tác tại nhà máy nhựa Duy Tân
Trước đây kênh phân phối chính của Duy Tân chỉ dừng lại ở quy mô các tiệm tạp hoá ở chợ. Tới khi công ty giới thiệu sản phẩm tủ nhựa ở những cửa hàng nội thất và siêu thị, nhờ đó khách hàng mới dần biết tới những sản phẩm nhựa Duy Tân nhiều hơn, mua dùng thử, và thấy tốt nên đã giới thiệu cho người khác. Nhờ chất lượng dẫn đầu, cơ cấu doanh thu nhựa gia dụng của Duy Tân hiện tại tủ nhựa chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 20%.
Hiện tại, Duy Tân đang dần chuyển hướng tới sản xuất sản phẩm nhựa từ bao bì, sản phẩm nhựa gia dụng tới sản phẩm nhựa công nghiệp với giá bán từ vài ngàn cho đến vài triệu đồng. Trong đó, mảng nhựa gia dụng, mảng làm nên thương hiệu Duy Tân đóng góp 50% doanh thu, tương ứng 2.500 tỉ đồng, theo số liệu tự bạch. Đại bản doanh của Duy Tân nằm trên đường Hồ Học Lãm (Bình Tân, TP.HCM), đồng thời cũng là nhà máy sản xuất chính trong khuôn viên rộng tới 37 héc ta. Nhà máy nằm giữa hai đối thủ cạnh tranh, bên phải là nhà máy của công ty nhựa Tân Lập Thành, bên trái là công ty Nhựa Long Thành.
Để vươn lên đầu ngành, Duy Tân có nhiều bí quyết cạnh tranh. Thông thường, ngoài sản phẩm chính quá trình sản xuất còn có các bộ phận dư thừa. Nhưng sản phẩm Duy Tân gần như không có chi tiết dư thừa. Bí quyết nằm ở khuôn mẫu, mắt xích đóng vai trò quyết định chất lượng sản phẩm.
Hệ thống máy móc tự động hóa hiện đại của Duy Tân
Tỷ lệ tự động hóa của Duy Tân hiện tại đạt 38%. “Bộ não” của Duy Tân hiện nằm ở công ty Khuôn chính xác Mida (Long An) và công ty Khuôn chính xác Duy Tân (TP.HCM). Hai nhà máy này được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách Khoa, một số trong đó được cử đi tu nghiệp nước ngoài.
Công suất hai nhà máy có thể đạt tới 750 khuôn mỗi năm, thuộc loại quy mô bậc nhất trong ngành tại Việt Nam. Nhà máy có những máy móc hiện đại nhất trong ngành được nhập từ các quốc gia G7. Trong đó, có những chiếc máy trị giá vài triệu đô la Mỹ có khả năng gia công sản phẩm ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ.
Chọn "con đường khó" với định hướng tái chế rác thải nhựa
Với số vốn tài trợ của ngân hàng HSBC, Duy Tân đã mạnh tay "rót" 60 triệu USD xây dựng nhà máy tái chế đầu tiên áp dụng quy trình “Bottles to Bottles” - công nghệ tái chế chai nhựa cũ thành hạt nhựa nguyên liệu, sau đó hạt nhựa nguyên liệu sản xuất ra chai nhựa mới. Nhà máy tái chế nhựa Duy Tân đặt tại tỉnh Long An với diện tích 65.000 mét vuông với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm.
Ngày khởi công xây dựng nhà máy tái chế của Duy Tân
Chất lượng hạt nhựa tái chế đầu ra có thể ứng dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đạt chuẩn.
Kế hoạch vì môi trường này đã được Duy Tân ấp ủ và thực hiện trong 3 năm bởi "rất nhiều người nói rằng, tình trạng rác thải nhựa như hiện nay là lỗi của các công ty nhựa". Chính những suy nghĩ này khiến Duy Tân quyết tâm thay đổi cái nhìn của khách về những công ty nhựa trên thị trường. 3 năm này là quãng thời gian các thành viên trong ban lãnh đạo và ban dự án làm việc miệt mài, họp bàn liên tục để tìm giải pháp. Bởi lẽ, nhà máy nhựa tái chế khác rất nhiều so với những gì Duy Tân từng làm trước đây.
Đại diện HSBC và ông Trần Duy Hy kí kết hợp tác
Phần khó khăn nhất là lựa chọn công nghệ, do chính ông Hy và Giám đốc dự án, ông Huỳnh Ngọc Thạch đảm nhận giải quyết. Suốt 2 năm ròng rã, ông Hy và ông Thạch ngược xuôi khắp các nước châu Âu và cả Hong Kong để tìm hiểu các nhà máy cung ứng công nghệ, nhà máy nhựa tái chế. Có rất nhiều lựa chọn phải cân nhắc. Cuối cùng, Duy Tân chọn công nghệ của nhà cung cấp tại Áo, một nước có ngành công nghiệp tái chế phát triển.
Để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tái chế, Duy Tân đã gầy dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý đạt chuẩn, thực hiện thu mua, phân loại và đóng kiện các chai nhựa đã qua sử dụng. Giá mỗi ki lô gam nhựa nguyên liệu đã được xử lý, tương đương khoảng 200 vỏ chai, đang được Duy Tân mua cho các đại lý với giá cao hơn giá bán "xô" bình thường.
Các đối tác nổi tiếng của Duy Tân rất ủng hộ hướng phát triển này
Điểm sáng và cũng là lực đẩy để Duy Tân triển khai nhanh dự án là thị trường có phần rộng mở vì các khách hàng của Duy Tân đang sẵn sàng cho việc sử dụng nhựa tái chế. Đây là cách để các doanh nghiệp phát triển bền vững, gia tăng uy tín thương hiệu cũng như thực hiện cam kết với các bên liên quan.
Giá phôi nhựa làm từ nhựa tái chế rồi từ đó sản xuất các loại chai hiện đang cao hơn phôi làm từ hạt nhựa nguyên sinh. Tuy nhiên, các khách hàng, vốn cũng đã mua hàng từ Duy Tân nhiều năm qua, như Nestle, Lavie đã tìm hiểu và cân nhắc. Trong khi đó, khách hàng truyền thống khác là Unilever Việt Nam thì đã ký hợp đồng nguyên tắc dù quí 4 tới đây, nhà máy nhựa tái chế mới có sản phẩm thương mại.
Thanh Thùy (T/h)