Bí thư Hà Nội: 'Những thành trì quan trọng đang bị tấn công'
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn với số ca mắc tăng nhanh từng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng có buổi trao đổi với báo chí về công tác chống dịch trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, đợt dịch lần này nguy hiểm, khốc liệt hơn, tấn công vào những “thành trì” quan trọng là các cơ sở y tế và các khu, cụm công nghiệp. Đây là những cơ sở đóng vai trò cốt lõi trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Các bệnh viện liên tục bị tấn công
Bên cạnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại huyện Đông Anh, Bệnh viện K Tân Triều, Covid-19 còn làm xáo trộn hoạt động của nhiều cơ sở như Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Các ca dương tính cũng đã được phát hiện tại các nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), nguy cơ lây lan ở các khu, cụm công nghiệp đang rất cao.
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh bệnh viện, khu công nghiệp là những "thành trì cuối cùng". Ảnh: Đ.X, Tri thức trực tuyến
Ông Dũng đánh giá đến nay, các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội “đang làm rất tốt, cơ bản giữ được an toàn”. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, trong khi thành phố cùng cả nước đang hướng tới sự kiện chính trị rất quan trọng là ngày bầu cử.
“Chỉ có kiểm soát được dịch, chúng ta mới có điều kiện để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trước mắt, tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày 23/5 tới đây”, Bí thư Hà Nội nói.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị và nhân dân thủ đô thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, ông yêu cầu tập trung ưu tiên giữ vững các bệnh viện, cơ sở y tế. Đồng thời, TP không để dịch xâm nhập, lây lan trong các khu, cụm công nghiệp - những “thành trì” của chuỗi sản xuất và phát triển kinh tế, là cơ sở để duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.
Không vì lợi ích riêng mà quên cộng đồng
Lấy việc phòng khám Thu Cúc bị buộc phải tạm ngưng hoạt động là bài học, ông Dũng yêu cầu mọi cơ sở y tế, công lập hay tư nhân phải xác định rõ trách nhiệm và lương tâm trong tham gia phòng, chống dịch, không được vì lợi riêng mà quên lợi ích chung của cộng đồng.
Bí thư Hà Nội cũng chỉ đạo ngành y tế tiếp tục bám sát tiến độ giải quyết của Bộ Y tế đối với đề xuất mua vaccine của thành phố. Trước mắt, Bí thư Hà Nội yêu cầu tập trung hoàn thành việc xét nghiệm, sàng lọc người trở về từ vùng dịch, khoanh vùng, cách ly, không để lây lan ra cộng đồng.
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành thành phố phải phối hợp với Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để mỗi khu, cụm công nghiệp và mỗi cơ sở sản xuất đều trở thành một “pháo đài” chống dịch.
Ông Dũng gợi ý có thể chia nhỏ, tách riêng hoạt động của từng phân xưởng, tổ, đội sản xuất, từng nhà máy với nhau để không may phát hiện ca nhiễm ở phân xưởng, tổ, đội này, nhà máy này thì chỉ phải phong tỏa, cách ly ở 1, 2 nơi thay vì cả nhà máy, cả khu, cụm công nghiệp.
Các cấp, các ngành chức năng của thành phố, nhất là nơi có khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phải tiếp cận, làm việc cụ thể với ban quản lý, chủ doanh nghiệp ngay để bảo đảm các biện pháp này được thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, phải chủ động đi trước, làm trước, có biện pháp trước.
Trong bản tin tối 16/5, Bộ Y tế công bố thêm 57 bệnh nhân Covid-19, trong đó, 54 người được ghi nhận trong khu vực đã được cách ly. 54 ca mắc Covid-19 mới ghi nhận tại Đà Nẵng (12), Điện Biên (7), Hà Nam (6), Hải Dương (2), Bắc Ninh (24), Hà Nội (3). Họ đều là F1, liên quan bệnh nhân Covid-19 và ổ dịch cũ.
Hà Nội hiện đứng thứ 3 cả nước về số ca mắc Covid-19 (221 ca), đứng đầu tiên là Bắc Giang (314 ca), Bắc Ninh (241 ca).
Theo Tri thức trực tuyến
Xem thêm: Cách chức Giám đốc Hacinco Nguyễn Văn Thanh vì vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19