Xuất khẩu gỗ tháng 1 tăng mạnh, mục tiêu trên 17 tỷ USD cho cả năm có khả quan?

Trang Mai 07:42 | 05/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngay trong tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng tới gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Tín hiệu sáng này mở ra cơ hội hoàn thành mục tiêu 17,5 tỷ USD cho cả năm nay.

Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024 ngày 29/2 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP HCM (Hawa), Trưởng ban tổ chức cho biết, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại ngay tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hiện đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp đã phục hồi tới 80-90%. Có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 5. Chất lượng các sản phẩm đồ gỗ và nội thất của Việt Nam từ trước đến nay luôn được đánh giá cao, tuy nhiên để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn.

Theo Hawa, hiện tăng trưởng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc vào Mỹ với 821 triệu USD trong tháng 1, chiếm tới 55% tổng kim ngạch, tăng tới 124%. Các thị trường lớn còn lại là Trung Quốc (170 triệu USD, tăng 35,3%), Nhật Bản (163 triệu USD, tăng 27,3%), Hàn Quốc (70 triệu USD, tăng 9,7%)...

Bước sang năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu quay về đỉnh cũ năm 2022, tức 17,5 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng những chỉ tiêu này khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang kéo dài và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn.

 

Tuy nhiên, theo dự báo thì tình hình kinh tế cũng như thị trường bất động sản Mỹ đang ấm lên, lãi suất dự đi ngang hoặc giảm giúp triển vọng về nhu cầu đồ gỗ tương đối sáng. 

Triển vọng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung trong thời gian tới được các doanh nghiệp nhìn nhận khó đoán định. Riêng với thị trường Mỹ, lượng tồn kho các mặt hàng còn nhiều, cộng với những diễn biến chính trị khó lường khiến cho công tác dự báo càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, ngành gỗ vẫn đối mặt với những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng càng trở nên cao. Bởi các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải các-bon sau này bắt buộc sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường các nước phải tuân thủ. 

Đa dạng hoá các kênh và thị trường bán hàng để hoàn thành mục tiêu

Việc tăng cường xuất khẩu gỗ trong năm 2024 đang được ngành gỗ tìm nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức hội chợ sản phẩm gỗ Việt để giới thiệu nhiều hơn nữa sản phẩm gỗ Việt tới các bạn hàng quốc tế.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tỏa đi các thị trường để tìm hiểu, đánh giá thực tế nhu cầu thị trường. Dự báo, phải sau tháng 6, bức tranh xuất khẩu toàn ngành gỗ mới rõ nét hơn.

Nhiều chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp cần phải hiểu "đặc tính", "sở thích" và quy định từng thị trường để có sản phẩm phù hợp. Ví dụ như Nhật Bản yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi nguồn cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Họ yêu cầu doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải cung cấp các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải,…

Ngoài Mỹ, EU đang là thị trường đầy tiềm năng và triển vọng với ngành gỗ và lâm sản Việt Nam. Theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp - Tổ chức Forest Trends, 2 yêu cầu cốt lõi các doanh nghiệp cần lưu tâm để các sản phẩm gỗ được lưu thông tại thị trường này là không gây mất rừng và hợp pháp.

Hiện tại, nhiều khách hàng trong khu vực EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, ví dụ các sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) đã được ký kết. Trong đó, Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp, không cách nào khác, doanh nghiệp buộc phải thích nghi và làm theo. 

Với mục tiêu trên 17 tỷ USD cho năm 2024, trao đổi với báo chí hồi đầu năm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành.

"Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023.

Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải", ông Lập nhận định.

Cùng với sự suy giảm của thị trường, những quy định mới nêu trên cho thấy 2024 có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành gỗ.