Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ‘mạnh ai nấy làm’ khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút

Trang Mai 06:12 | 15/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xâm nhập vào các thị trường luôn là điều được doanh nghiệp xuất khẩu hướng đến. Thế nhưng với các đơn vị ngành gỗ, việc thiếu liên kết theo chiều ngang đã khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút, bị ép giá, thậm chí không đủ khả năng để thực hiện những đơn hàng lớn.

Những tín hiệu phục hồi nhưng chưa thể lạc quan

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong số các mặt hàng chính của ngành nông nghiệp xuất khẩu trong quý I, gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. 

 

Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định rằng, dù tăng trưởng 18,9% nhưng quý I/2023 là thời điểm xuất khẩu gỗ xuống rất thấp, do đó mức tăng trưởng này vẫn còn xa so với kỳ vọng. 

“Ở chiều ngược lại thì chúng ta đã chi 374 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ các quốc gia khác về Việt Nam và kim ngạch chỉ tăng 10,3%. Như vậy, về đại thể thì ngành công nghiệp gỗ vẫn là ngành rất siêu rất nhiều, tự túc nguyên liệu trong nước là chính”, ông Hoài cho hay. 

‘Mỹ nhập khẩu 10 cái ghế thì 4 chiếc đến từ Việt Nam’

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta.

 

Chia sẻ tại diễn đàn doanh nghiệp: “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” tổ chức ngày 12/4, ông Ngô Sỹ Hoài thông tin: “Trong những năm gần đây có xu hướng tìm các nguồn cung thân hữu, vừa để tránh rủi ro, vừa để có những ưu tiên trong nội khối. 

Tôi lấy ví dụ như đồ gỗ của Việt Nam, mấy năm gần đây gần như là chúng ta đã chiếm được vị thế, tôi không nói lạc quan là “một mình một chợ”, nhưng sau khi có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì chúng ta gần như thay thế được công xưởng Trung Quốc để cung cấp sản phẩm đồ gỗ đến rất nhiều thị trường, đặc biệt là Mỹ. Hiện nay đồ gỗ nội, ngoại thất chúng ta xuất khẩu sang thị trường này chiếm 38,7% trong 3 tháng vừa rồi, tức là nếu Mỹ nhập 10 cái thế thì trong đó có gần 4 cái là nhập từ Việt Nam”.

Thế nhưng, gần đây họ có vẻ như cũng tìm cách để không phụ thuộc vào Việt Nam và để tránh những bất trắc, ví dụ như về vận tải, dịch bệnh…

Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cũng cần phải có sự tập hợp. Ví dụ có thể liên kết với các đối tác ở Châu Âu, hay là với các đối tác ở Mexico, Canada để có thể chế biến ra sản phẩm đồ gỗ và tiêu thụ thêm ở thị trường Mỹ được thuận tiện hơn, giảm các chi phí. Một số nhà nhập khẩu của châu Âu hiện nay cũng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải có liên kết với một số các doanh nghiệp, ví dụ như từ Romania, Ba Lan, Hungary để có thể đưa cái sơ chế sang chế biến, phân phối trên thị trường Châu Âu và thị trường các nước khác, thuận tiện hơn và giảm chi phí nhiều hơn”. 

 Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest). Ảnh: Mai Trang

Doanh nghiệp gỗ xuất khẩu còn “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết

Hiện nay cạnh tranh ngày càng khốc liệt, kinh doanh cần phải tính toán, quản trị tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Hàng loạt chi phí sản xuất có thể tăng, nhưng giá bán đầu ra phải cạnh tranh, mẫu mã phải đa dạng,...

 Doanh nghiệp ngành gỗ còn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết dẫn đến giảm sút năng lực cạnh tranh. Ảnh: VnEconomy

Nhưng có một thực trạng là các doanh nghiệp còn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết, dẫn đến giảm sút năng lực cạnh tranh. 

“Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng, tức là chúng ta, các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuần Việt cũng như các doanh nghiệp FDI phải có sự liên kết chặt chẽ hơn, nhiều hơn và có sự tương tác nhiều hơn.

Lâu nay đang có tình trạng các doanh nghiệp của chúng ta “mạnh ai người nấy làm”, thâm nhập vào các thị trường bên ngoài với tư cách là từng công ty, từng doanh nhân cá thể chứ không phải là với tư cách một ngành hàng, một quốc gia. Cho nên đôi khi chúng ta chịu thua thiệt, bị ép giá, không có đủ năng lực để có thể thực hiện được các đơn hàng lớn. 

Vậy nên chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải có sự liên kết nhiều hơn và thậm chí cần phải bắt tay với nhau để tổ chức lại chuỗi cung ứng tốt hơn”, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản nhận định. 

Đưa ra một vài kiến nghị, ông Hoài cho rằng bất cứ ngành hàng nào cũng vậy, đều có lực đẩy và lực kéo. Đó là thể chế, chính sách tài khóa, tiền tệ, tất cả những công cụ chính sách mà Chính phủ có thể thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể kinh doanh thuận lợi. 

Còn lực kéo chính là các doanh nghiệp. Ở trong Luật lâm nghiệp, lâm nghiệp được coi là một ngành kinh tế, kỹ thuật và môi trường, có vai trò rất quan trọng với môi trường và kinh tế. 

“Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ là những doanh nghiệp đầu chuỗi tất cả những khâu, mắt xích trước đó. Từ người nông dân trồng rừng cho đến những đơn vị khai thác, vận chuyển rồi cho ra được cái bàn, cái ghế để xuất khẩu. 

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để tất cả những chủ thể trong cả chuỗi này có sự liên kết tốt hơn. Ví dụ như liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người nông dân trồng rừng cần phải có sự xúc tác nào đó để hai bên có thể cùng hợp tác với nhau, cùng bắt tay với nhau, cùng tạo ra nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp, có thể truy xuất một cách dễ dàng để tuân thủ pháp luật. Ví dụ như đối với trong nước, nếu chúng ta có sự liên kết tốt hơn thì khâu hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ ít tốn kém hơn, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. 

Hay khâu đảm bảo gỗ hợp pháp tới các thị trường khó tính sẽ thuận tiện hơn. Chúng ta có thể truy xuất đến tận người trồng rừng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi tất cả các thị trường đều siết chặt các yêu cầu về sản xuất xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh, sản phẩm gỗ lại là sản phẩm có liên quan đến nguyên liệu đầu vào là rừng, được coi là một trong những yếu tố có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Tất cả các nước đều nội soi rất kỹ nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp gỗ”, ông Hoài nói.  

Kỳ vọng vào những tín hiệu sáng từ thị trường

Dù còn nhiều thách thức, nhưng gỗ và lâm sản vẫn là một trong ngành xuất khẩu tỷ USD, có giá trị lớn trong ngành nông, lâm nghiệp Việt Nam. 

Chia sẻ về những kỳ vọng từ nay đến hết năm 2024 và thời gian tới, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ: “Kỳ vọng của chúng tôi thì năm nay đã có những tín hiệu khi nền kinh tế thế giới sau những chếnh choáng, lo sợ và sự mất lòng tin của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc thì có vẻ như lòng tin của người người tiêu dùng đã khá hơn và những hàng tồn kho trước đây người ta nhập khẩu từ Việt Nam để tích trữ, phân phối trong cả năm có vẻ như đã giảm đi, các nước bắt đầu đã có đơn hàng. Đấy là tín hiệu tích cực. 

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng sự phục hồi đơn hàng đến và sự phục hồi của thị trường thế giới thì có vẻ như vẫn còn yếu, chậm và thực sự thì các doanh nghiệp vẫn còn phải lo lắng, chưa dám nhập nguyên liệu vào nhiều, chưa dám dự trữ các nguồn nguyên vật liệu để có thể tăng tốc sản xuất, ngoại trừ một số doanh nghiệp có lợi thế nhất định thì có thể đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể phục hồi nhanh hơn và nếu điều kiện cho phép thì có thể bứt tốc.

Ngành công nghiệp gỗ của chúng ta đã trải qua một thời kỳ hơn 2 thập kỷ ra biển lớn, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu trên thế giới và tôi nghĩ rằng, mặc dù có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hay động biến nhau, ngày mai thì trời sẽ sáng và chắc chắn là chúng ta không dễ gì từ bỏ vị thế chúng ta đã có được”.