Bình Định kiến nghị thành lập thành phố thứ hai với 180.000 dân

Nguyễn Triệu 07:38 | 08/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ trương xin thành lập TP An Nhơn được đề cập trong công văn gửi Bộ Nội vụ của UBND tỉnh Bình Định ngày 7/12. Thị xã An Nhơn cách TP Quy Nhơn gần 20 km về phía tây bắc, được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã.

Chủ trương xin thành lập TP An Nhơn được đề cập trong công văn gửi Bộ Nội vụ của UBND tỉnh Bình Định ngày 7/12. 

Theo đó, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh  đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin chủ trương thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập thành phố An Nhơn, với diện tích 244 km2 và 180.000 người có chức năng là đô thị kết nối miền Trung và Tây Nguyên. Thị xã An Nhơn cách TP Quy Nhơn gần 20 km về phía tây bắc. Nếu được phê duyệt, An Nhơn sẽ là thành phố thứ 2 của tỉnh Bình Định sau TP Quy Nhơn. 

 Thị xã An Nhơn

Thị xã An Nhơn được Chính phủ quyết định thành lập theo Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28/11/2011 bao gồm 5 phường và 10 xã, với số dân 179.250 người (năm 2019), diện tích đất tự nhiên toàn thị xã 244,49 km2.

Từ tháng 3/2021, thị xã An Nhơn là đô thị loại III theo Quyết định số 219/QĐ-BXD ngày 02/3/2021 của Bộ Xây dựng về việc công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Bình Định. Trong thời gian tới, An Nhơn sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị nhằm cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH hướng tới mục tiêu trở thành thành phố An Nhơn vào năm 2025.

Thị xã An Nhơn có tuyến quốc lộ 1, tuyến tránh quốc lộ 1, quốc lộ 19, quốc lộ 19B, các tuyến tỉnh lộ và đường sắt bắc-nam đi qua, nối liền cảng biển Quy Nhơn, khu kinh tế Nhơn Hội, sân bay Phù Cát và ga Diêu Trì; có tiềm năng, khả năng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại -dịch vụ; là động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng của tỉnh.

An Nhơn đã và đang giữ vai trò đầu mối quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng phía nam tỉnh với các vùng phụ cận của các tỉnh duyên hải miền trung-Tây Nguyên. An Nhơn còn là vùng đất có lịch sử - văn hóa lâu đời, được mệnh danh là “Đất Thành” hay “Đất Kinh xưa”; nơi đây từng là Kinh đô của vương triều Chămpa, Đế đô của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn. An Nhơn còn được biết đến là vùng đất học, đất võ, đất văn chương, nghệ thuật với sự giao thoa của nhiều tầng văn hóa, định cư nhiều tộc người và là nơi hội tụ hào khí “địa linh nhân kiệt”.

Trong 9 tháng năm 2022, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) của thị xã An Nhơn ước đạt 15.783,5 tỷ đồng, đạt 73,2% so với kế hoạch và tăng 19,4% so cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn ước đạt 1.161 tỷ đồng, đạt 116,32% kế hoạch, đạt 138,53% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng năm 2022 là 1.401 tỷ đồng, đạt 105,81% dự toán năm và đạt 146,24 % so cùng kỳ.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn của thị xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Văn hoá- xã hội nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân tiếp tục ổn định. Quốc phòng- an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã được đảm bảo.

Để nâng cấp An Nhơn lên thành phố, tỉnh Bình Định muốn lập thêm 6 phường dựa trên 6 xã hiện hữu. TP An Nhơn sau khi thành lập sẽ có 11 phường, gồm: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong; và 4 xã: Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Tân. Bình Định khi đó sẽ có hai thành phố là Quy Nhơn và An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và 8 huyện. Hiện lộ trình cụ thể để An Nhơn thành thành phố chưa được xác định vì phải chờ chủ trương được Bộ Nội vụ thông qua.