Bình Dương kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Huyền Trang 07:00 | 22/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 21/12, tại Bình Dương đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước và Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2021 với sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ban, ngành cùng lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp

Năm qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Kết thúc năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,62%; GRDP bình quân đầu người đạt 152,25 triệu đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%; nhập khẩu tăng 14,7%; thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ USD…Những kết quả đạt được này là sự tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, phải kể đến sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong nước, các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.

Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng gỗ, dệt may, gốm sứ, điện,…đã đánh giá cao sự điều hành chủ động, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã lắng nghe ý kiến, đề xuất của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đặc biệt quan tâm đến các chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, giá thuê đất và nguồn nguyên liệu, phát triển hạ tầng giao thông…

Trước xu thế phát triển của ngành gỗ, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương đề xuất thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động thuận lợi, nắm bắt xu thế phát triển thị trường.

Trong khi đó, ông Trần Thành Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương mong muốn, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) để phát triển bền vững chuỗi liên kết cung ứng, hạn chế đứt gãy nhất là trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất và chất lượng.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân lao động để họ yên tâm làm việc trong nhà máy, xí nghiệp và kiến nghị tỉnh chú trọng đảm bảo điều kiện ở, sinh hoạt cho công nhân, người lao động, về lâu dài cần xây dựng các khu ký túc xá, nhà ở xã hội để người lao động an cư lạc nghiệp, yên tâm ở lại Bình Dương làm việc.

Ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, năm 2022 với dự báo dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra, sự đồng hành của cộng đồng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng với hệ thống chính trị của tỉnh rất quan trọng. Điều này góp phần đưa Bình Dương vượt qua mọi trở ngại, phục hồi mạnh mẽ, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Phát triển sàn thương mại điện tử

Trong ngày 21/12, Sở Công Thương kết hợp với Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố Mới Bình Dương tổ chức Chương trình Kết nối Cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương 2021 cũng như ra mắt sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Dương https://www.binhduongtrade.vn với kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm 1 kênh chính thống để quảng bá hàng hóa, dịch vụ, tăng cường kết nối giao thương, kết nối với chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ông Phạm Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đến năm 2025, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu từng bước đưa sàn thương mại điện tử trở thành một công cụ được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; phấn đấu giữ vững thứ hạng thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển thương mại điện tử mà tỉnh đã duy trì trong liên tục 5 năm qua. Việc phát triển công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Với vai trò là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 sẽ là cơ hội để Bình Dương trở thành điểm đến của các doanh nghiệp và hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Sàn thương mại điện tử có khả năng xử lý nhiều đơn hàng cùng lúc và mở rộng phạm vi quảng cáo một cách nhanh chóng. Đây chính là những ưu điểm mà các doanh nghiệp nên hướng tới thông qua việc chào bán sản phẩm bằng "Chuyển đổi số" và sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử trong thời đại công nghiệp 4.0.

Kết nối cung cầu hàng hóa

Từ ngày 21- 23/12, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc trao đổi, thảo luận và giải đáp các thắc mắc kiến nghị, cũng như tìm kiếm, chia sẻ thông tin thị trường với các doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến từ khắp các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam thông qua Chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương 2021.

Tại hội nghị còn có nhiều hoạt động thiết thực như: Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hội thảo chuyên đề "Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại"; hội nghị các nhà cung ứng "Tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp thương mại điện tử và đơn vị cung ứng tiềm năng"…

Chương trình Kết nối các nhà cung ứng tổ chức ngày 22/12/2021 là một trong chuỗi những hoạt động kết nối giao thương quan trọng, mang lại kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển thị trường trong và ngoài nước mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cơ hội kết nối và hợp tác, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm của các tỉnh, thành, địa phương đến với thị trường quốc tế trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.

Với sự tham gia của Global Source - một nền tảng tìm nguồn cung ứng B2B được quốc tế công nhận, thúc đẩy thương mại toàn cầu trong hơn 50 năm, Chương trình sẽ mang lại cơ hội kết nối, giao lưu với doanh nghiệp nước ngoài đang có nhu cầu bước vào thị trường Việt Nam.  Cùng với sự tham gia của Vestel Group - công ty sản xuất đồ gia dụng và chuyên dụng từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội giao thương trong và ngoài nước.

Việc ký kết giữa WTC Bình Dương New City và Global source đóng vai trò then chốt trong việc kết nối doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và trong nước tới các nhà cung ứng và đầu tư toàn cầu. Thông qua việc kết nối với hai đơn vị nhà cung ứng quốc tế, WTC Bình Dương New City hy vọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm những cơ hội hợp tác, liên kết để khắc phục khó khăn, thúc đẩy và phát triển sản xuất/ chuỗi cung ứng/ kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chương trình sẽ có buổi thảo luận vấn đề về chuỗi cung ứng hậu đại dịch và về việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn trong tình hình hiện tại.