Bloomberg: Chiến tranh tiền tệ thế giới đã bắt đầu, lạm phát là ngòi nổ

Giang 10:22 | 25/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với quyết tâm khống chế lạm phát, ngân hàng trung ương của các nước phát triển đang nhắm đến việc giảm chi phí nhập khẩu bằng đồng nội tệ mạnh hơn. Sự tăng giá của các đồng tiền chủ chốt nhất có thể gây bất lợi cho các nước xuất khẩu.

 

Mạnh ai nấy lo

Bà Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là người mở màn. Hồi tháng 2 năm nay, bà Schnabel đưa ra biểu đồ cho thấy đồng EUR đã suy yếu trước USD.

Hai tháng sau, Thống đốc Tiff Macklem của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) than phiền về sự suy yếu của đồng CAD. Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Thomas Jordan gợi ý rằng ông muốn thấy đồng franc mạnh hơn.

Đồng USD đã tăng giá mạnh mẽ - tới 7% trong năm nay - trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng tuyên chiến với lạm phát. Các ngân hàng trung ương khác cũng quyết tâm không kém để cản đà tiến không ngừng nghỉ của lạm phát tại đất nước họ.

Thế rồi, các ngân hàng trung ương này lần lượt phát đi tín hiệu rằng họ sẽ ủng hộ đồng nội tệ mạnh lên nhằm giúp giảm chi phí nhập khẩu hàng hoá bằng cách tăng sức mua ở nước ngoài. Hành vi can thiệp thị trường này ít khi được sử dụng, nhưng chỉ nhắc đến nó cũng đủ khiến thị trường bất an.

Hôm 16/6, hai ngân hàng trung ương lớn đã hâm nóng cuộc chơi. SNB khiến giới đầu tư bất ngờ với lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007, khiến giá đồng franc tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm. Chỉ vài tiếng sau, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo tăng lãi suất và báo hiệu sẽ tiếp tục có động thái mạnh tay hơn.  

Giá trị của các đồng tiền ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong câu đố lạm phát. Nhà kinh tế Michael Cahill của Goldman Sachs nói rằng ông chưa từng chứng kiến giai đoạn nào mà ngân hàng trung ương của các nước phát triển lại tham vọng nâng giá đồng nội tệ đến vậy.

Thị trường ngoại hối gọi đây là "chiến tranh tiền tệ ngược" - vì trong hơn một thập kỷ qua, các quốc gia đều mong muốn điều ngược lại. Đồng tiền yếu hơn có nghĩa là doanh nghiệp trong nước có thể bán hàng hóa ra nước ngoài với giá cạnh tranh hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí của mọi thứ từ nhiên liệu, thực phẩm đến thiết bị gia dụng đều tăng cao thì việc tăng cường sức mua đột nhiên trở nên quan trọng hơn.

Bloomberg cảnh báo rằng đây là một trò chơi nguy hiểm. Nếu các nhà hoạch định chính sách phớt lờ, cuộc cạnh tranh quy mô này có thể khiến các đồng tiền chủ chốt biến động dữ dội, gây bất lợi cho các nhà sản xuất dựa vào hoạt động xuất khẩu, làm đảo lộn tình hình tài chính của giới doanh nghiệp đa quốc gia, và làm phình to áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

Chiến tranh tiền tệ nổi tiếng là "zero-sum game", tức là sẽ không có kẻ thắng và kẻ thua. Ông Alan Ruskin, Giám đốc đầu tư quốc tế tại Deutsche Bank giải thích: “Mọi nước đều theo đuổi cùng một mục đích. Nhưng trong thế giới tiền tệ, điều này không thể xảy ra”. 

 

Mỹ lắm nỗi lo 

Trong cuộc chiến tiền tệ ngày nay, đồng USD có thể là đối tượng có nhiều thứ để mất nhất. Sự tăng giá của USD trong năm 2022 là vận may lớn khi Fed cố gắng khống chế lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yllen từng nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Biden cam kết để tỷ giá “cho thị trường quyết định”, nhưng các chính trị gia vẫn ăn mừng sự tăng giá của đồng bạc xanh.

Thượng nghị sĩ Pat Toomey nói trên chương trình của Bloomberg: “Fed phải thực hiện nhiệm vụ của mình, phải kiên định trong việc chống lạm phát. Nhưng sức mạnh của đồng USD đang giúp ích rất nhiều cho họ”.

Có lẽ Mỹ sẽ không thể tận hưởng lợi thế này trong lâu dài. Đợt tăng lãi suất của Anh và Thụy Sĩ đã đè nặng lên đồng USD. Trong tháng 6, USD đã ghi nhận đợt giảm hai ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020. 

Một số ngành có thể sẽ vui mừng khi USD giảm giá. Salesforce dự kiến sự tăng giá của đồng USD sẽ khiến công ty mất 600 triệu USD doanh thu trong năm tài khóa này. CEO Marc Benioff phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 5: “Đồng USD có lẽ vừa có một quý tăng trưởng tốt hơn cả chúng tôi”.

Ông Jeffrey Frankel, giáo sư kinh tế Đại học Harvard cho biết các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nhà xuất khẩu như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, là những nước dễ bị tổn thương nhất. Rất nhiều nền kinh tế mới nổi có nhiều nợ vay bằng đồng USD hơn là bằng đồng nội tệ. Ông nói: “Tình huống tồi tệ nhất chính khi bạn có nợ phải thanh toán bằng đồng USD là đồng nội tệ giảm giá so với chính đồng USD".

Mặt khác, không rõ một đồng tiền phải mạnh lên bao nhiêu thì mới có thể kéo lạm phát xuống. Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế cấp cao của Citigroup cho biết cho đến nay, mức truyền dẫn của tỷ giá vào lạm phát (pass-through rate) - mức độ mà tỷ giá hối đoái tác động đến chỉ số giá tiêu dùng - đã được chứng minh là rất nhỏ.

Nhưng trong thời đại lạm phát nóng, đồng tiền mạnh lên có thể lợi nhiều hơn hại. Ông Sheets ước tính trước đây mức tăng 10% của đồng USD sẽ khiến lạm phát giảm khoảng 0,5 điểm %. Nhưng ngày nay, mức giảm của lạm phát “có thể lên đến 1 điểm %”.