Bộ Công Thương: Nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ người dân, DN ứng phó dịch COVID-19
(DNVN) - Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra vào sáng 10/4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Bộ Công Thương quán triệt nghiêm túc, không chủ quan, lơ là, đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân, đảm bảo an toàn xã hội và ổn định, phát triển kinh tế.
Theo số liệu cập nhật của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp đã giảm mạnh, cụ thể, Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Đặc biệt, tác động của dịch COVID-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Trong khi đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng nhẹ, 5,8% nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hàng thiết yếu khiến hoạt động tiêu thụ các mặt hàng gặp khó khăn. Bộ Công Thương ước tính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, dù tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019 song đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh nhất, tương ứng là 27,8% và 9,6%. Các nhóm hàng hóa khác cũng có mức tăng thấp so với các năm trước, chỉ tăng từ 2,0-9,6%, đã kéo giảm tăng trưởng chung. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng khi 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện giảm 5% (đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020); vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong ngành, giúp các doanh nghiệp vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh kết thúc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước hết với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp, điển hình như việc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện cho khách hàng, gồm cả người dân và doanh nghiệp, song EVN vẫn phải cân đối nguồn lực, đảm bảo công tác huy động nguồn đáp ứng yêu cầu năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong khi đó, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân kinh doanh, từ đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hoá đang rất khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp, trước hết là tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, kể cả trong công nghiệp, dịch vụ, thương mại và các ngành khác vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời...
Bộ cũng đã chỉ đạo xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới sẽ xem xét để triển khai nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.
Về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh).
Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, làm việc sớm với phía Bạn để tập trung đẩy nhanh việc sớm cho phép một số nông sản của ta được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là tiền đề hết sức quan trọng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Đồng thời, để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tạo nhóm liên kết (nhóm trên ứng dụng viber và zalo) các tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước nhằm kết nối, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước nhanh và hiệu quả nhất.
Đối với thị trường châu Âu, công việc trước mắt vẫn là tập trung hoàn tất các công việc để sớm thông qua Hiệp định EVFTA và chuẩn bị tốt các công việc để triển khai thực thi có hiệu quả Hiệp định này ngay sau khi có hiệu lực.
Còn với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền Mỹ thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng của Mỹ để có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp; Tiếp tục tập trung xử lý tốt các vấn đề trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là các nội dung trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).
Về thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, kiến nghị của các địa phương nêu lên với Bộ Công Thương, Bộ trưởng cho biết, hiện nhiều địa phương phản ánh đăng gặp phó khăn trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc xác định sản phẩm hàng hoá nào là thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trên cơ sở Luật giá, để xác định cụ thể những mặt hàng thiết yếu để có căn cứ hướng dẫn cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương nhằm thống nhất trong việc tổ chức thực hiện.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành việc xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đưa ra nên chưa thể thống nhất phương án cân đối, đảm bảo hàng hoá.