Bộ Giao thông Vận tải thông tin về kiến nghị nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Cảng hàng không Phù Cát có cấp sân bay 4C, kết cấu hạ tầng khu bay bảo đảm khai thác các loại tàu bay code C (như A320/321 và tương đương), nhà ga hành khách được mở rộng năm 2018 đáp ứng công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.
Sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Phù Cát tăng trưởng tương đối tốt trong một vài năm gần đây và đã thực hiện khai thác một số chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không); trong đó Cảng hàng không Phù Cát tiếp tục được hoạch định là Cảng hàng không quốc nội.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, quá trình nghiên cứu xây dựng Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, trên cơ sở quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới, hồ sơ quy hoạch đã xây dựng định hướng chuyển Cảng hàng không quốc nội thành Cảng hàng không quốc tế.
Cụ thể, các cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ. Để bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế.
Từ đây, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi, khuyến khích các hãng hàng không khai thác thêm các đường bay quốc tế không thường lệ đi/đến Cảng hàng không Phù Cát nhằm mục đích phát triển thị trường bay quốc tế.
“Sau thời gian khai thác, nếu tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo ngay cấp có thẩm quyền cho phép chuyển Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Liên quan tới kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku để phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu phương án đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để huy động tối đa mọi nguồn lực.
Đồng thời, thống nhất với các cơ quan, đề xuất phương án đầu tư (tiến trình đầu tư, hình thức đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nhằm phát huy lợi thế vùng, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư tuyến cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai dự án theo quy định./.