Bộ phim “Người phán xử” có phải là nguyên nhân dẫn tới tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen gia tăng?

Thiên Anh 22:22 | 17/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới dẫn chứng tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen xảy ra nhiều sau khi VTV1 chiếu phim "Người phán xử", khẳng định nhiều phim có nội dung chưa phù hợp.

PGS, TS Tâm lí học Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám khảo Gameshow Siêu trí tuệ)

PGS.TS Trần Thành Nam

Tiếp cận quá nhiều với nội dung bạo lực trên mạng, trên phim ảnh và truyền thông, tập nhiễm mẫu hình bạo lực từ gia đình thì đứa trẻ trở nên bạo lực là có thật.

Nhưng chỉ từ một bộ phim thì chưa đủ cơ sở...

Hơn nữa, sự việc xảy ra không phải là vấn đề. Vấn đề là người lớn lý giải giáo dục thái độ thế nào cho con trước sự kiện mới là quan trọng...  Ví như người bố có trót đánh con 1 cái vào mông nhưng bà, nhưng mẹ giải thích nói rằng bố thương con mới làm như vậy, bố cũng đau lòng lắm, đằng sau sự tức giận của bố là sự quan tâm, lo lắng cho con... bà và mẹ biết là bố không nên như thế, sẽ nói bố xin lỗi con khi bố đã bình tĩnh hơn nhé.... Thì đứa sẽ không bị tổn thương và cũng không bắt chước hành vi đó vì cháu hiểu là không nên và hiểu đằng sau sự tức giận lại là sự quan tâm lo lắng. Đó chính là cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực của đứa trẻ trở thành những khuôn mẫu hành vi tốt.

Tội phạm tăng không phải do bộ phim nào đó mới chiếu xong, mà còn rất nhiều yếu tố khác như an sinh xã hội kém, chính sách không nhất quán, thi hành pháp luật lỏng lẻo, nhiều biến cố trong xã hội, thế giới... Việc kết luận tội phạm tăng sau khi xem phim là quy chụp, chưa đủ cơ sở, chưa hiểu về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, vì chỉ mới quy nguyên nhân cho một yếu tố.

Xã hội nào cũng có mảng sáng - mảng tối, việc phản ánh thói xấu, tệ nạn cũng là cách để cảnh tỉnh, miễn không lạm dụng, chứ không thể phim ảnh chỉ toàn mặt tốt, tô hồng, dễ gây ảo tưởng. Quan trọng là thái độ tiếp nhận của chúng ta, bởi dù phản ánh cái xấu nhưng mấu chốt là hành động sai trái, tội phạm… ấy được xử lý thế nào, thông điệp đưa ra là gì, có ý nghĩa ra sao. Chúng ta vẫn có những hình thức giáo dục qua trải nghiệm, nhận diện - nhìn sự kiện để phân tích, biết được đâu là xấu đâu là tốt; bày tỏ thái độ đối với cái xấu, cái tốt và cuối cùng là có hành động chống lại cái xấu, bảo vệ cái tốt.

TS văn học Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

TS Nguyễn Thanh Tâm

Rõ ràng là văn học nghệ thuật (trong đó có điện ảnh, phim truyền hình) có tác động rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến đời sống. Bạo lực, tình dục hay bất kỳ nội dung nào khác đều có thể được khai thác như là chất liệu, đề tài, cảm hứng cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, giá trị của một sản phẩm nghệ thuật là khi nó hướng con người đến những điều tốt đẹp hơn. Thể hiện cái xấu, cái ác cũng là cách để nhận ra cái đẹp, cái thiện lương, lành mạnh của đời sống. Điều quan trọng là năng lực của nhà làm phim với việc thể hiện triết lý tư tưởng nhân văn, thẩm mỹ thông qua tác phẩm.

Nói tội phạm gia tăng do xem phim truyền hình thực ra là cách nói về những ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm nghệ thuật. Trước đây đã từng có những công trình nghiên cứu về việc phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX tự tử vì đọc tiểu thuyết tình. Lo ngại về việc gia tăng bạo lực từ văn học nghệ thuật, phim ảnh, internet… không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, quản lý văn hóa – văn nghệ là một công việc đặc thù. Cần phải hiểu cơ chế sáng tạo, tồn tại, phản ánh và tiếp nhận nghệ thuật để quản lý, thay vì các quy định hành chính. Cấm đoán hay trốn tránh các vấn đề tiêu cực không phải là giải pháp để làm cuộc sống cuộc sống tốt lên. Đó cũng không phải là con đường để gia tăng giá trị nghệ thuật. Nghệ thuật, nghệ sĩ cũng như công chúng và các nhà quản lý cần phải đối diện với tính chất muôn mặt của đời sống (thông qua nghệ thuật), để từ đó chọn lựa cho mình một hướng tiếp cận, một khả năng để thích ứng, để hình thành các giá trị sống phù hợp. Nếu có thể, chúng ta cần phải nhìn vào những nền điện ảnh hùng mạnh trên thế giới để thấy được đằng sau những cảnh bạo lực, những cuộc chiến tranh đẫm máu, những tệ nạn đầy nhức nhối của xã hội, vẫn là ánh sáng của lương tri, của những điều cao cả, nhân văn.

Nếu cần thiết phải hình dung về một giải pháp tổng thể, có tính chiến lược cho việc định hình giá trị tích cực từ văn học nghệ thuật (trong đó có phim truyền hình, điện ảnh) thì đó là việc nâng cao năng lực của các bên tham gia vào chuỗi sản xuất – phân phối – tiêu thụ các sản phẩm này. Năng lực của nghệ sĩ, nhà sản xuất; sự thông hiểu của cơ quan quản lý; nền tảng văn hóa và trình độ tiếp nhận của công chúng… sẽ là những điểm mấu chốt để đưa văn hóa nghệ thuật trở thành một món ăn tinh thần thực sự hữu ích.

Nhà báo, Nhà văn Nguyễn Quang Hưng (Ban Công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam)

Nhà Văn Nguyễn Quang Hưng

Với nhận định này thì nên có cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng để chứng minh một cách thuyết phục. Hoặc căn cứ từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu xã hội học liên quan.

Về sự gia tăng của tội phạm, theo cá nhân tôi, chưa có thông tin chứng minh hoặc có thể cho phép mình đưa ra giả thiết, thì tôi cũng chưa thể cho rằng có liên quan hay có nguyên nhân từ nội dung phim truyền hình.

Tôi có xem và thấy rằng, đây là bộ phim truyền hình, một sản phẩm của sáng tạo, và lại được khai thác kịch bản gốc từ Hàn Quốc nữa, nên không chú trọng lắm đến tính hiện thực của phim, cũng như không cho rằng nó tập trung phản ánh hiện thực đời sống ở ta. Bộ phim có sự cuốn hút và tôi đề cao tính giải trí của nó. Về giá trị nghệ thuật thì nên có ý kiến của các nhà làm phim, nhà phê bình. Nhưng tôi thấy theo dõi qua nhiều tập và đến hồi kết thì bộ phim cũng đã truyền tải những thông điệp nhân văn, hãy sống trung hậu, yêu thương, đặc biệt là tôn trọng pháp luật, đừng làm điều phi pháp, trái đạo đức. Nếu phạm vào những quy ước chung đó của luật pháp, của xã hội, anh sẽ phải trả giá.

TS giáo dục học Hồ Quang Hòa (Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế giới trong ta, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam)

TS Hồ Quang Hòa

Trong khoa học, để đưa ra được một kết luận, chúng ta thường phải có các số liệu đánh giá (minh chứng) định tính hoặc định lượng. Tùy mục đích nghiên cứu và tiếp cận vấn đề mà chúng ta chọn cách đánh giá nào cho phù hợp. Để có sức thuyết phục, người đưa ra kết luận cần có số liệu so sánh tương quan giữa thời điểm trước và sau sự kiện được xem là mốc (trong tình huống này mốc được xem là thời điểm chiếu bộ phim “Người phán xử”). Hơn nữa, tùy vào khía cạnh tiếp cận vấn đề mà chúng ta sẽ có những kết luận khác nhau.

Trước hết, từ góc độ “Định tội danh” thì có thể xếp “băng nhóm xã hội đen”(có hình thức giống các băng nhóm trong phim “Người phán xử”) là nhóm tội phạm có đồng phạm đặc biệt- hình thức phạm tội có tổ chức. Đây là hình thức phạm tội có sự câu kết chặt chẽ của những người cùng “tham gia vào việc” thực hiện tội phạm hoặc của các thành viên cùng một tổ chức tội phạm.

Dấu hiệu khách quan của hình thức tội phạm này là được hình thành một tổ chức tội phạm với các quy mô lớn nhỏ khác nhau và tổ chức tội phạm đó thường tồn tại một khoảng thời gian dài nhằm thực hiện nhiều tội, phạm tội nhiều lần và là các tội từ nghiêm trọng trở lên, có sự thỏa thuận, bàn bạc trước về kế hoạch thực hiện tội phạm, đồng thời giữa những người đồng phạm có sự phân công vai trò tỉ mỉ và cụ thể.

Dấu hiệu chủ quan của hình thức tội phạm này là sự cố ý cùng liên kết về mặt ý thức của những người phạm tội có tổ chức khi thỏa thuận, bàn bạc kế hoạch và phân công vai trò.

Từ góc độ “định tội danh”, chúng ta cần phải xác định được thời gian hình thành “bằng nhóm xã hội đen” (theo quan đánh giá trên) là bao lâu kể từ sau khi chiếu phim “Người phán xử” và có hay không việc các băng nhóm đã hình thành từ trước khi công chiếu bộ phim?

Thứ hai, xét từ góc độ xã hội học pháp luật, dù muốn tự do thực hiện những hành vi, hoạt động theo ý muốn cá nhân, nhưng con người phải tự đặt mình trong các nhóm xã hội để thực hiện những hành vi phù hợp, đáp ứng sự đòi hỏi của những người xung quanh, của cộng đồng xã hội. Nói cách khác, cá nhân trong xã hội phải nhận thức được các chuẩn mực xã hội, phải xác định được “cái có thể”, “cái được phép” và “cái không được phép”. Chúng ta không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh hay các kích thích của môi trường.

Thứ ba, xét từ góc độ Tâm lý học hành vi, có thể thấy cơ chế hình thành hành vi là các phản ứng của cá thể để đáp ứng lại các kích thích của môi trường.

Theo quan điểm của A.Bandura (một trong những người phát triển lý thuyết tâm lý học hành vi), hành vi được hình thành thông qua cơ chế quan sát, bắt chước. Các tình huống xảy ra trong trường nhìn của cá thể có thể được xem là kích thích của môi trường để tạo nên hành vi của cá thể. Tuy nhiên, để hình thành hành vi đúng, cá thể cần nhận thức đúng về kết quả của hành vi, từ đó mới nảy sinh nhu cầu hành động theo hay không. Việc lặp lại nhiều lần (củng cố) cùng một hành động cho ra kết quả đúng sẽ hình thành hành vi đúng.

Theo quan điểm này, về mặt cảm tính có thể có mối tương quan giữa việc hình thành “băng nhóm xã hội đen” và việc xem phim “Người phán xử”. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét yếu tố nhận thức, tính chủ động của cá thể trong việc hành thành hành vi. Đây là vấn đề nhận thức xã hội của cá thể. Các băng nhóm tội phạm trên phim đa phần có kết cục là chịu sự nghiêm trị của pháp luật hoặc thanh trừng lẫn nhau dẫn đến tử vong, tan dã. Điều này khác với các video hoặc livestream kiểu “giang hồ mạng” là khoe khoang, cổ súy cho bạo lực, tội phạm.... Do đó, có thể nói phim truyện có tác dụng tích cực trong việc định hướng hành vi đúng.

Thứ tư, độ phủ của phim. Mặc dù phim được chiếu vào khung giờ vàng trên VTV1 (lúc 21h) nhưng chúng ta cần có khảo sát, đánh giá về đối tượng theo dõi phim, đặc biệt là lứa tuổi, giới tính xem phim. Việc này hoàn toàn có thể làm được nhờ vào công nghệ. Cần có minh chứng về tỷ lệ thành viên băng nhóm xã hội đen đã xem phim này (có thể xem theo những nguồn khác nhau), tỷ lệ tội phạm đã bị bắt có liên quan đến việc hành động mô phỏng theo các mô hình, các hành vi, tình huống trên phim …Khi được xếp vào loại hình “băng nhóm tội phạm” thì tính bộc phát của nhóm đối tượng này thường thấp hơn tội phạm đơn lẻ. Do đó, khó có thể kết luận vì xem phim, học tập các tình huống trên phim nên cá thể hành động phạm tội.

Mặt khác, chúng ta cần nhìn nhận bộ phim dưới góc độ là công trình nghệ thuật. Đối tượng công chúng mà bộ phim hướng đến là ai, cách tiếp cận khi xây dựng nội dung và cách giải quyết các tình huống trong phim. Khán giả xem phim, dù là bất kỳ thành phần nào trong xã hội cũng cần có cái nhìn đa chiều, thậm chí là nên xem những tình huống, nhân vật rất phản diện để có thể rút ra những ứng xử phù hợp trong cuộc sống.

Về vấn đề nội dung phim phù hợp hay không thì đã có các cơ quan hữu quan kiểm duyệt trước khi công chiếu.

Thiên Anh (thực hiện)

ĐỌC NHIỀU