Bộ Tài chính khuyến cáo thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao đi kèm rủi ro cao
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư.
Bên cạnh những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhận định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Do đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu.
"Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Do đó, không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Vào thời điểm đó, bên cạnh việc xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.
Trước đó, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Các công ty này gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh là các công ty chưa đại chúng.
Sáng ngày 5/4, tập đoàn này chính thức công bố dự kiến 2 phương án về tiến trình xử lý hoàn trả tiền đến khách hàng sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn này. Cụ thể, đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.
Phải lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law cho rằng, nay chế tài xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành và các văn bản hướng dẫn.
Trong đó, Bộ luật hình sự quy định các tội liên quan đến lĩnh vực chứng khoán gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán... với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù và phạt tiền cao nhất là 10 tỷ đồng. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Có thể thấy, các chế tài này vẫn còn chưa tương thích so với hậu quả nghiêm trọng mà các vi phạm pháp luật chứng khoán gây ra cho xã hội mà đặc biệt là cho các nhà đầu tư. Chính điều này đã dẫn đến việc các hành vi vi phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm.
Nổi bật là vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu và đã bị khởi tố, 3 công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu. Các vụ việc này đều liên quan đến hoạt động thao túng giá thị trường chứng khoán, giao dịch giả tạo, vi phạm về chế độ báo cáo, công bố thông tin, vi phạm từ phía công ty chứng khoán,...
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu 3 giải pháp: Thứ nhất, cần sửa đổi các quy định trong Bộ Luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng hình phạt. Bởi lẽ hiện nay số tiền xử phạt trong các vụ việc vi phạm lĩnh vực chứng khoán là khá thấp không tương thích với hậu quả của vi phạm hay các khoản lợi mà chủ thể vi phạm đạt được khi thực hiện hành vi do đó làm giảm hiệu quả răn đe của hình phạt. Mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với cá nhân là 1.5 tỷ đồng, với tổ chức là 3 tỷ đồng.
Thứ hai, cần đồng bộ hoá các thể chế và định chế liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán, tạo ra khung pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoàn chỉnh để thị trường chứng khoán được vận hành đồng bộ và có hiệu quả.
Thứ ba, lĩnh vực chứng khoán là một lĩnh vực tương đối mới, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung những quy định pháp luật phù hợp với thực tế khi xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay để từ đó có thể tạo hành lang pháp lý quản lí hoạt động chứng khoán, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ngay khi các cơ quan có thẩm quyền phát hiện các hành vi sai phạm thì phải xử lý nghiêm, ngay từ đầu để tránh những hệ lụy đáng tiếc sau này.