Từ vụ việc Tân Hoàng Minh: Đã đến lúc làm trong sạch thị trường chứng khoán

Đông Bắc 08:31 | 06/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định hủy 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của ba công ty con thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đã đến lúc cần làm trong sạch thị trường chứng khoán bằng các chế tài xử phạt thật nghiêm.

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can, lệnh khám xét với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Trước đó, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã ban hành văn bản hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil.

Theo UBCKNN, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là các công ty chưa đại chúng.

Các công ty này đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về các đợt chào bán này.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tân Hoàng Minh phải hoàn trả tiền cho khách hàng

Nhận định về vụ việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law đưa ra quan điểm:

Việc UBCKNN ban hành quyết định 181/QĐ-UBCK là hoàn toàn đúng với thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 Luật Chứng khoán 2019 và Điều 12, Điều 39 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Bên cạnh đó, việc hủy 9 đợt chào bán trái phiếu này được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP và điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm c khoản 3 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP, như vậy các công ty sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đồng thời bị buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán, phát hành.

Hiện tại Tân Hoàng Minh đã đưa ra hai phương án hoàn trả tiền đối với khách hàng như sau:

Thứ nhất, đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Thứ hai, đối với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, Tân Hoàng Minh sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

Rõ ràng là Tân Hoàng Minh mới chỉ đề cập đến việc hoàn trả tiền mua trái phiếu của các nhà đầu tư còn về tiền lãi suất trái phiếu ra sao thì hoàn toàn chưa có đề cập đến. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP), thì ngoài việc trả lại tiền gốc sau khi thu hồi trái phiếu đã phát hành còn phải trả thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.

Chính vì vậy, về vấn đề này Tân Hoàng Minh và các nhà đầu tư cần ngồi lại với nhau và xác định phương án hoàn trả tiền gốc, tiền lãi suất cũng như có bất kỳ phương án bồi thường nào khác nếu như Tân Hoàng Minh vẫn giữ phương án chỉ hoàn trả tiền gốc mua trái phiếu như bây giờ.

Cần có chế tài thật nghiêm để ngăn chặn tình trạng lũng đoạn thị trường chứng khoán

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, nay chế tài xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán được quy định của yếu trong Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành và các văn bản hướng dẫn.

Trong đó, Bộ luật hình sự quy định các tội liên quan đến lĩnh vực chứng khoán gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán... với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù và phạt tiền cao nhất là 10 tỷ đồng. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Có thể thấy, các chế tài này vẫn còn chưa tương thích so với hậu quả nghiêm trọng mà các vi phạm pháp luật chứng khoán gây ra cho xã hội mà đặc biệt là cho các nhà đầu tư. Chính điều này đã dẫn đến việc các hành vi vi phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm.

Nổi bật là vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu và đã bị khởi tố, 3 công ty con của Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu. Các hoạt động này đều liên quan đến hoạt động thao túng giá thị trường chứng khoán, giao dịch giả tạo, vi phạm về chế độ báo cáo, công bố thông tin, vi phạm từ phía công ty chứng khoán,...

Một dự án bất động sản của Tân Hoàng Minh trên đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Ảnh: PLO.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu 3 giải pháp: Thứ nhất, cần sửa đổi các quy định trong Bộ Luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng hình phạt. Bởi lẽ hiện nay số tiền xử phạt trong các vụ việc vi phạm lĩnh vực chứng khoán là khá thấp không tương thích với hậu quả của vi phạm hay các khoản lợi mà chủ thể vi phạm đạt được khi thực hiện hành vi do đó làm giảm hiệu quả răn đe của hình phạt. Mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với cá nhân là 1.5 tỷ đồng, với tổ chức là 3 tỷ đồng.

Thứ hai, cần đồng bộ hoá các thể chế và định chế liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán, tạo ra khung pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán hoàn chỉnh để thị trường chứng khoán được vận hành đồng bộ và có hiệu quả.

Thứ ba, lĩnh vực chứng khoán là một lĩnh vực tương đối mới, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung những quy định pháp luật phù hợp với thực tế khi xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay để từ đó có thể tạo hành lang pháp lý quản lí hoạt động chứng khoán, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ngay khi các cơ quan có thẩm quyền phát hiện các hành vi sai phạm thì phải xử lý nghiêm, ngay từ đầu để tránh những hệ lụy đáng tiếc sau này.

 

Vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngày 5/4, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với ông Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.