Bộ Tài chính: Tập trung sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN
Đồng thời, chủ động phối hợp, đôn đốc bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN, nhằm bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các thủ tục chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính đưa ra trong quý II/2019 là rà soát tổng kết và đề xuất việc sửa đổi bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Cùng với đó là rà soát Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH 1 thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp.
Phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành địa phương rà soát, đánh giá 02 năm thực hiện Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết định. Tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN có vốn nhà nước quý IV/2018 và cả năm 2018; tổng hợp báo cáo giám sát hoạt động tài chính 6 tháng năm 2018.
Đặc biệt, trong cuộc họp báo chiều 5/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về quản lý tài sản công, đặc biệt là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài chính cho rằng Bộ Tài chính đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện thủ tục, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự, thủ tục sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT.
Điều mà Bộ Tài chính luôn hướng tới là làm sao đảm bảo được khung pháp luật được khả thi và phù hợp thực tiễn được khả thi và phù hợp với thực tiễn nhất. Trên thực tế, vấn đề liên quan đến BT và BOT mới chỉ được đề cập ở mặt khái niệm, nội hàm pháp luật về quyền và nghĩa vụ chưa rõ, dẫn đến trong quá trình thực hiện có tình trạng các địa phương hiểu và vận dụng khác nhau.
“Bởi vậy, khi xem xét việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT, chúng tôi sẽ phải xem yếu tố quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong cả quá khứ của quá trình đầu tư. Làm sao, vừa tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, vừa đảm bảo không bị thiệt thòi cho nhà đầu tư”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.