Bộ TN&MT: 5 vấn đề quan trọng nhất của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đông Bắc 09:04 | 17/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nêu 5 vấn đề lớn, quan trọng nhất, xuyên suốt của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: quy hoạch; tài chính và định giá; thể chế; cải cách thủ tục hành chính và chuyển dịch đất đai.

 

Sau khi lắng nghe phát biểu thảo luận của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Bộ trưởng khẳng định, các ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi chép đầy đủ cụ thể là cơ sở để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời, Bộ trưởng cũng làm rõ một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội quan tâm như: định giá đất; quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng cho biết, khoảng 1/3 số ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại hội trường là về vấn đề tài chính và định giá đất. Bộ trưởng cho rằng, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý Nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, có việc phân bổ nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này để vào phát triển cho kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

Để xác định được giá đất, Bộ trưởng cho rằng, phải trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất… thì có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay.

  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh Quốc hội. 

Đồng thời, từ giá đất này chúng ta sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận. "Nếu xác định được vấn đề định giá đất sẽ thực hiện được rất nhiều công việc cụ thể để ổn định thị trường, xác định trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất. Các thông tin đều được số hóa, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh tình trạng lãng phí, đầu cơ và thổi giá", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá. Về vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có 2 hình thức. Bộ trưởng nhấn mạnh, quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp.

  Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng có 5 vấn đề lớn, quan trọng nhất, xuyên suốt dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là: quy hoạch; tài chính và định giá; thể chế; cải cách thủ tục hành chính và chuyển dịch đất đai. 

Về thỏa thuận khi thu hồi đất, hiện nay, chúng ta không hạn chế việc thỏa thuận tại những khu vực không có chuyển mục đích sử dụng đất như: Thỏa thuận đất trồng lúa thông qua HTX, góp đất, khu vực phi nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ. Nhưng Nhà nước sẽ can thiệp để đảm bảo chính sách về giá, lợi ích cho người dân phải công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, khó khăn nhất là xác định được điều kiện, tiêu chí. Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý, cụ thể.

Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông. Tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.

Theo đó, chúng ta không kỳ vọng quy hoạch sử dụng đất thay thế tất cả các quy hoạch mà quy hoạch đất đai sẽ đưa ra một khung chung, sẽ quản lý những đối tượng mà chúng ta cần bảo tồn là các “khu vực tĩnh” như: bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, đất lúa 2 vụ, hạ tầng giao thông cứng, khu vực phát triển xã hội đã hình thành… Còn những “khu vực động”, có thể thay đổi như: khu đô thị, thương mại dịch vụ…

 Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, khi quy hoạch đất đai gắn với giao thông, sẽ mở ra vấn đề giá trị đất đai tăng lên và phát triển kinh tế - xã hội sẽ mở theo. Đồng thời, quy hoạch đất đai cũng phải gắn với quy hoạch không gian đô thị, để xác định tới từng thửa đất. Hiện, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn đã làm được tới 96%, do đó, chúng ta chỉ quản lý về chỉ tiêu phân bổ quốc gia để làm sao quản lý đất đai một cách hiệu quả…

“Đặc biệt, chúng ta sẽ không đấu thầu, đấu giá khi chưa có ý tưởng quy hoạch tốt nhất, chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có tầm nhìn về không gian và khai thác sử dụng, kể cả công trình ngầm. Vì vậy, theo Bộ trưởng, quy hoạch, kế hoạch cộng với tài chính đất đai và định giá đất là những công cụ để thể hiện quyền năng của Nhà nước về quản lý…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà  cho hay.

 

Đến năm 2023, hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết 150/NQ-CP ngày 14/11/2022 ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Mục đích của kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đến năm 2023 hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tập trung nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án Luật, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Trong đó, Chính phủ phân công các bộ chủ trì, phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến pháp luật đất đai; xây dựng các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2024: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2024 Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, phân công các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ phục vụ tại các kỳ họp thứ 5, 6 của Quốc hội khóa XV.

Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trình Chính phủ trước ngày 25/11/2022, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 1/12/2022.

Tháng 11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tháng 12/2022 - tháng 1/2023, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến công khai.

Tháng 1 - 2/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (theo Kế hoạch của Quốc hội).

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp và xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo cáo tiếp thu, giải trình này trình Chính phủ trước ngày 10/3/2023, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 1/4/2023.