Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu ngân sách'
Mới đây, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết công tác tháng 8, triển khai nhiệm vụ tháng 9 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của ngành Tài chính đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Do đó, toàn Ngành phải dốc sức, đồng lòng, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành Hải quan đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết nhanh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ách tắc khu vực phía Nam, giải quyết nhanh về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu các thiết bị, vắc-xin cho phòng, chống dịch. Cơ quan hải quan đã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ các thiết bị y tế, máy thở, dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các khu vực biên giới, sân bay, bến cảng.
Về thu NSNN, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, do dịch bệnh trong tháng 8 hết sức phức tạp, riêng 19 tỉnh phía nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 56 tỷ USD và dự báo, thu ngân sách năm 2022 sẽ rất khó khăn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong tháng 8 (tính đến ngày 2/9) thu ngân sách của cơ quan thuế đạt 68.852 tỷ đồng bằng 6,2% so dự toán, bằng hơn 91% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 8 tháng năm 2021 đạt hơn 846 nghìn tỷ đồng, bằng 75,8% so dự toán, bằng 102,7% so cùng kỳ.
Thu nội địa đã bị tác động nặng nề và toàn diện bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tính thu theo các sắc thuế, thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đều đạt thấp nhất trong 20 tháng kể từ tháng 1/2020 đến nay. Thu từ lệ phí trước bạ thấp đột biến kể từ năm 2020, thấp hơn đầu năm là hơn 2.300 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, nhiệm vụ thu ngân sách đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức khi tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm đang ở mức rất thấp. Ngành Tài chính vừa phải đảm bảo kinh phí cho hoạt động của bộ máy, vừa phải đảm bảo chi cho công tác chống dịch. Do đó, đòi hỏi toàn ngành phải dốc sức, đồng lòng, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách được giao.
Theo Bộ trưởng, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng hơn những dự báo trước đó. Số ca nhiễm tăng cao và những khu vực trọng điểm kinh tế đều bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có số thu chiếm 70% tổng thu NSNN là hết sức khó khăn.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải tập trung chỉ ra những vướng mắc, khó khăn, dự báo những vấn đề bất thường có thể xảy ra, từ đó có giải pháp phù hợp, tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, để vượt qua khó khăn trước mắt, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý, điều đáng lo ngại hiện nay đó là, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới tăng trưởng cao, Việt Nam lại có mức tăng trưởng thấp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số thu NSNN.
“Khi nền kinh tế có vững chắc, doanh nghiệp vững thì các mục tiêu về tài chính - ngân hàng mới vững được. Do đó, ngành Tài chính phải nỗ lực phấn đấu, sáng tạo hơn nữa triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới” - người đứng đầu ngành Tài chính lưu ý.
Bộ trưởng biểu dương các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao; công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành cũng được thực hiện tốt, thể hiện ý thức trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng trong tháng 8, số thu ngân sách từ thu nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu đều giảm, trong khi phải tăng chi cho phòng chống dịch, nên ngành Tài chính phải linh hoạt trong điều hành, cơ cấu lại NSNN và triệt để tiết kiệm chi.
Về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị cần giải quyết nhanh, kịp thời, đầy đủ các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tập trung rà soát, xây dựng các gói miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch công nghệ thông tin 5 năm tới; kiến nghị các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức... “Gạo xuất kho đã đến tay nhân dân chưa? Chính sách hỗ trợ đã đến với người dân, doanh nghiệp hay chưa? Bộ trưởng lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tình hình mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị phải thực hiện rốt ráo, bởi “chậm là tụt hậu”, đặc biệt là trong các lĩnh vực hải quan, thuế, kho bạc, để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế và các đơn vị sử dụng ngân sách.