Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phấn đầu năm 2021 phê duyệt quy hoạch điện 8, quan tâm năng lượng tái tạo

15:50 | 09/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre) về những thay đổi trong Quy hoạch điện VII và định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện 8.
Sáng 9/11 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Khác với các kỳ họp trước, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này không theo nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn tất cả những vấn đề mà cử tri quan tâm.
 
Về nội dung đại biểu Thắng chất vấn Quy hoạch điện 7 có nhiều thay đổi, không đúng với nội dung ban đầu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Quy hoạch đã được xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, đất nước có nhiều bước phát triển mới, nhiệm vụ mới và có nhiều thay đổi nên phải có những điều chỉnh cho phù hợp.
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phấn đầu năm 2021 phê duyệt quy hoạch điện 8, quan tâm năng lượng tái tạo - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên họp sáng 09/11.
 
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã có Nghị quyết cho dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận; bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII đã có nhiều dự án nhiệt điện than chậm tiến độ do nhu cầu phát triển nhiều địa phương không tiếp tục thực hiện nhiệt điện than, một số dự án khác bị chậm tiến độ do đặc thù của phát triển kinh tế xã hội, không còn cơ chế đặc thù như bảo lãnh của Chính phủ hay các ưu đãi khác… Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện, đảm bảo cân đối cung cầu điện.
 
Ngoài ra, với công nghệ mới và xu hướng của điện tái tạo, năng lượng mặt trời, gió phát triển rất nhanh, giá thành liên tục giảm do công nghệ phát triển, nguồn năng lượng tái tạo đã bổ sung nhanh, đáp ứng nhu cầu điện cũng như phát triển bền vững.
 
Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có đưa ra cơ chế ưu đãi về điện mặt trời, gió đã thúc đẩy các loại hình này phát triển nhanh và đạt được kết quả nhất định.
 
“Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở Quốc hội cho phép điều chỉnh Quy hoạch năng lượng, Chính phủ đã có giải pháp bổ sung các quy hoạch điều chỉnh cho phép phát triển năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu điện, phát triển bền vững và hướng tới tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
 
Về Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt bám sát quan điểm phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
 
“Quy hoạch điện VIII đã được các cơ quan cấp Bộ thẩm định, sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng. Trong tháng 12, Bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng để phê duyệt, phấn đầu đầu năm 2021 phê duyệt quy hoạch điện 8”. – người đứng đầu Bộ Công Thương thông tin thêm.
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phấn đầu năm 2021 phê duyệt quy hoạch điện 8, quan tâm năng lượng tái tạo - ảnh 2
 
Bộ trưởng cho biết đã giao cho các cơ quan chức năng đang làm và đã cơ bản hoàn thành, hiện đang lấy ý kiến thẩm định từ các Bộ, ngành liên quan.
 
Quy hoạch điện VIII được thiết kế gồm 18 chương, phân bố theo 3 phần. Các nội dung chính tập trung vào dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có năng lượng tái tạo cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; cơ chế và giải pháp thực hiện quy hoạch… Quy hoạch điện VIII đã triển khai được hơn 1 năm, đã có 9 Chương đầu của quy hoạch được hoàn thành.
 
“Quy hoạch điện VIII sẽ phản ánh đầy đủ nhu cầu phát triển của năng lượng điện mới”, ông Trần Tuấn Anh nói.
 
Các kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng dự báo, đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 32%, tăng lên 40,3% vào năm 2045 và 43% vào năm 2050. Trong giai đoạn 2020-2030, sẽ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới ngoài các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII. 

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã có yêu cầu dừng, không thực hiện các dự án điện than. Cùng với đó, một số dự án nhiệt điện khác bị chậm tiến độ do hàng loạt các dự án không được hưởng cơ chế đặc thù, không có được sự bảo lãnh của Chính phủ…

Trước đó ngày 14/08, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, Quy hoạch điện VIII phải được xây dựng một cách khoa học, bài bản, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện VII hiện nay. Phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng,...

Quy hoạch cũng cần bố trí không gian phát triển điện năng của các vùng, căn cứ vào tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, địa phương. Quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả; nhanh chóng quy hoạch hệ thống hạ tầng, kho cảng cho khí LNG, than, đường ống dẫn khí,...

 
Nguyễn Dung(t/h)