Bộ Y tế bổ sung cập nhật thêm một số thuốc vào phác đồ điều trị COVID-19
Theo báo VietNamNet thông tin cho biết Bộ Y tế vừa có quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2). Tại hướng dẫn mới này, Bộ Y tế bổ sung thuốc kháng virus trong điều trị Covid-19 nhằm ức chế sự sao chép của virus.
Theo đó, Bộ Y tế quy định thuốc kháng virus là thuốc ức chế sự sao chép của virus. Thuốc kháng virus đường uống thường được dùng cho tất cả những trường hợp xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 giai đoạn sớm. Thuốc kháng virus đường tiêm, truyền thường được dùng cho bệnh nhân nội trú.
Quyết định nêu rõ, đối với thuốc chưa được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Thuốc đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì cho phép sử dụng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất kèm theo khi nhập khẩu.
Cũng trong hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế cũng bổ sung các loại thuốc kháng thể đơn dòng (là thuốc ức chế Interleukine 6 hoặc trung hòa virus).
Thuốc này chỉ định điều trị cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên đã được khẳng định nhiễm virus SARS-CoV-2 mức độ nhẹ đến vừa và có nguy tiến triển nặng như người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường typ 1 và typ 2, bệnh thận mạn tính-bao gồm cả các bệnh nhân đang lọc máu, bệnh gan mạn tính, suy giảm miễn dịch-đang được điều trị ung thư, ghép tủy xương hoặc ghép tạng, suy giảm miễn dịch, HIV, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia và sử dụng dài ngày các thuốc gây suy giảm miễn dịch.
Đối với thuốc chưa được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Ngày 14-7, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus corona mới (SARS-CoV-2)". Hướng dẫn mới nhất này sẽ thay thế hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 4-2021.
Cho phép điều trị theo phác đồ đang ở dạng nghiên cứu
Theo đó, Bộ Y tế thay đổi phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể, các trường hợp bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu) cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán, xác định.
Trường hợp bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn.
Các ca bệnh F0 nhẹ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại buồng bệnh thông thường.
Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mãn tính, người cao tuổi cần được điều trị tại phòng hồi sức tích cực.
Ca bệnh nặng (suy hô hấp nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Bộ Y tế cho biết điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu, nhưng cần cá thể hóa các biện pháp điều trị cho từng trường hợp, đặc biệt là các ca bệnh nặng, nguy kịch. Đặc biệt, có thể áp dụng một số phác đồ điều trị đang ở dạng nghiên cứu và được Bộ Y tế cho phép, song song cần phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Xuất viện sau 10 ngày nếu không có triệu chứng
Thay như hướng dẫn trước đây là phải có từ 2 kết quả âm tính mới được xuất viện, hướng dẫn này cũng cho biết bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, nếu không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày; tối thiểu lấy 2 xét nghiệm PCR cách nhau 24 giờ có kết quả âm tính hoặc vẫn dương tính nhưng nồng độ virus thấp (Ct < 30).
Ngoài ra, có thể xuất viện vào ngày thứ 14 nếu 10 ngày không có dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm nồng độ virus Ct > 30. Bệnh nhân có thể xuất viện sau ngày thứ 14 kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính, ngày ra viện là ngày thứ 3 kể từ ngày không còn triệu chứng lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn xét nghiệm.
Người được ra viện sẽ được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày, mỗi ngày đo thân nhiệt 2 lần, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp thì báo ngay cho y tế địa phương. Các trường hợp đã xuất viện và có kết quả xét nghiệm tái dương tính sẽ không phải quay lại điều trị tại bệnh viện.
5 mức độ bệnh COVID-19
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các trường hợp bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm: người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác; người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Trường hợp bệnh xác định mắc COVID-19 được Bộ Y tế quy định là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time RT-PCR.
Theo hướng dẫn, các triệu chứng lâm sàng của bệnh thể hiện: thời gian ủ bệnh là từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ; có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Về diễn biến bệnh cụ thể, hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ: "Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào".
"Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày" - Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.
"Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện… Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong".
Bộ Y tế phân chia bệnh COVID-19 theo 5 mức độ, như sau:
Không triệu chứng: là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Real time RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Mức độ nhẹ: viêm đường hô hấp trên cấp tính. Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở bằng hoặc dưới 20 lần/phút...
Mức độ vừa: bệnh nhân bị viêm phổi, sốt, ho, khó thở, thở nhanh hơn 20 lần/phút và không có dấu hiệu viêm phổi nặng... Đối với trẻ nhỏ có ho hoặc khó thở và thở nhanh và không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng.
Mức độ nặng: bệnh nhân viêm phổi nặng, người lớn và trẻ lớn bị sốt hoặc nghi ngờ nhiễm trùng hô hấp, kèm theo bất kỳ một dấu hiệu sau: nhịp thở hơn 30 lần/phút, khó thở nặng... Trẻ nhỏ bị ho hoặc khó thở, và có ít nhất một trong các dấu hiệu sau đây: tím tái hoặc SpO2 < 93%; suy hô hấp nặng (thở rên, rút lõm lồng ngực) hoặc trẻ được chẩn đoán viêm phổi và có bất kỳ dấu hiệu nặng sau: không thể uống/bú được; rối loạn ý thức (li bì hoặc hôn mê); co giật. Có thể có các dấu hiệu khác của viêm phổi như rút lõm lồng ngực, thở nhanh (tần số thở/phút như trên).
Mức độ nguy kịch: có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) 5, các triệu chứng hô hấp mới hoặc xấu đi trong vòng một tuần kể từ khi có các triệu chứng lâm sàng kèm theo các chỉ số, thông tin chuyên môn khác.
Theo Bộ Y tế, tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Bộ Y tế cũng quy định người khỏi bệnh COVID-19 được xuất viện cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.