Bộ Y Tế đề xuất 3 nhóm đối tượng ưu tiên được sử dụng `hộ chiếu vaccine`
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 9/4 Bộ Y tế đề nghị triển khai "hộ chiếu vaccine" và đề xuất 3 nhóm đối tượng được ưu tiên.
Theo đó 3 nhóm đối tượng được ưu tiên sử dụng hộ chiếu Vắc xin bao gồm:
Nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vắc xin thì về nước. Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những người về từ nước nào thì có biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp, ở mức cần thiết, theo hướng an toàn. Trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, tuỳ từng nước, điều kiện, đã tiêm loại vắc xin nào thì sẽ phải quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.
Nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế. Bộ Y tế phối hợp với Bộ VHTTDL trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch, hướng ban đầu là du khách đến từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng động và đến những khu du lịch nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Bộ Y tế cho biết, hiện tại, các trường hợp khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần, lần 1 ngày đầu tiên khi cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 trước khi hết cách ly: Công dân Việt Nam thuộc diện được đưa về nước do có hoàn cảnh đặc biệt (giải cứu) cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc cách ly tại khách sạn; chuyên gia, người nhập cảnh theo diện chuyến thăm, làm việc mục đích ngoại giao, công vụ cách tại khách sạn có trả phí; nhập cảnh theo diện cách ly ngắn ngày cũng đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày; các trường hợp đặc biệt khác do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định.
Đề xuất 3 nhóm đối tượng được uu tiên sử dụng hộ chiếu Vắc xin
Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 và tiến độ tiêm vaccine trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất các công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về “hộ chiếu vaccine” phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của WHO và Việt Nam đủ mũi, đúng lịch, theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Đã được tiêm trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối.
Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “Hộ chiếu vaccine” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin phòng COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.
Về phương án cách ly, Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được phép nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định, xét nghiệm 2 lần (lần 1 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh vào cơ sở cách ly, lần 2 vào ngày cách ly thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, tiếp tục chuyển cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày, thực hiện xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14; nếu âm tính, kết thúc quá trình cách ly.
Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thực hiện cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.
Tuy nhiên những nhóm đối tượng được ưu tiên phải tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vắc xin
Theo ông Đặng Quang Tấn, bên cạnh các thuận lợi, vẫn còn một số bất cập khi triển khai "Hộ chiếu vaccine". Ông Tấn cho biết, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt, tỷ lệ mắc bệnh thấp, tỷ lệ người đã được tiêm chủng chưa cao, miễn dịch cộng đồng thấp nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch rất cao khi có người nhập cảnh mang mầm bệnh.
Bên cạnh đó, virus biến chủng liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn đối với các biến chủng mới.
Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh trong nước phải mở cửa cho kinh tế, du lịch phát triển, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh thì dứt khoát phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch khi cho tập trung đông người. Bộ Y tế phải có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất sớm, với các tiêu chí cụ thể, chi tiết, lúc nào đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phải nghiêm túc rà soát lại, rút kinh nghiệm, xem xét đầy đủ các loại sinh phẩm xét nghiệm, công nghệ xét nghiệm để có chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng tình huống dịch bệnh cụ thể. “Tinh thần là chúng ta tranh thủ tối đa công nghệ xét nghiệm mới, có các giải pháp tổng hợp để lập “lưới” sàng lọc tốt nhất, khi có mầm bệnh ở đâu cần tập trung triển khai nhanh nhất, không được để bị động như trong đợt dịch vừa qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Dung