Bộ Y tế siết chặt phê duyệt đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam
Ngày 28/4, Bộ Y tế có công văn gửi các bộ và lãnh đạo các tỉnh thành, đề nghị kiểm tra xác thực người có đề nghị nhập cảnh, để đảm bảo không xảy ra hiện tượng nhập cảnh trái phép.
Các địa phương cũng đồng thời giám sát và xử lý các trường hợp nhập cảnh không đúng diện ưu tiên hoặc trái phép.
Theo công văn hỏa tốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hướng dẫn quản lý các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam để phòng dịch, có 5 đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam gồm:
-Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con);
- Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài, người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, người hết hạn visa.
- Học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam.
- Công dân Việt Nam: doanh nhân; trí thức; học sinh, sinh viên; người già; người đi thăm thân, du lịch hết hạn; lao động hết hạn hợp đồng; hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài; người ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người hết hạn visa.
Ngoài ra, còn có diện người xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và các trường hợp đặc biệt khác. Tuy nhiên các trường hợp này phải có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia.
Các tổ chức, đơn vị đứng tên đề nghị xin phép người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với mục đích đề nghị nhập cảnh cho công dân Việt Nam và phải có đầy đủ chữ ký, dấu đã đăng ký của tổ chức, đơn vị.
Các tổ chức, đơn vị có chức năng kinh doanh đưa đón công dân Việt Nam đứng tên đề nghị tổ chức chuyến bay thương mại (trọn gói) để đưa đón công dân Việt Nam có nhu cầu về nước phải có ý kiến đồng thuận bằng văn bản của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; có văn bản đồng ý tiếp nhận cách ly người nhập cảnh của UBND tỉnh, thành phố và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Các tổ chức, đơn vị đứng tên xin nhập cảnh phải gửi đề nghị bằng văn bản và cung cấp đầy đủ thông tin (địa chỉ, số điện thoại, email) kèm theo tài liệu chứng minh về các lý do xin được nhập cảnh. Phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đề cập trong văn bản đề nghị và có trách nhiệm tổ chức, thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi nhập cảnh theo quy định.
Các cá nhân đứng tên đề nghị được nhập cảnh, thuộc đối tượng xem xét nhập cảnh theo quy định phải cung cấp đầy đủ thông tin (địa chỉ, số điện thoại, email, hộ chiếu) kèm tài liệu chứng minh về các lý do xin được nhập cảnh; phải có xác nhận thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con) của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (cấp xã) nơi người nhập cảnh sau khi hết cách ly về lưu trú.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, chủ động, phục vụ yêu cầu kiểm soát dịch đồng thời phát triển kinh tế.
Qua đó, cơ chế xét thị thực nhập cảnh phải thông qua tổ công tác gồm đại diện 5 bộ Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải.
Việt Nam đang cảnh giác cao trước nguy cơ dịch xâm nhập từ các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Lào, Ấn Độ. Bộ Y tế kêu gọi người dân hạn chế tụ tập đông người vào kỳ nghỉ 30/4-1/5; tuân thủ quy định 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương xây dựng "thế trận lòng dân", kêu gọi người dân phát hiện kịp thời xuất nhập cảnh trái phép và tố giác các trường hợp vi phạm.
Xem thêm: Kêu gọi đồng bào Việt Nam tại các nước láng giềng tạm thời không về nước
Hà Ly