BoK: Lạm phát của Hàn Quốc dự kiến trên mức 3% trong năm 2022
Đây là lần đầu tiên dự báo lạm phát của Hàn Quốc được nâng lên trên ngưỡng 3% kể từ tháng 4/2012. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm 2022 vẫn được giữ ở mức 3%.
Cùng ngày, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoK dưới sự chủ trì của Thống đốc BOK Lee Ju-yeol cũng đã bỏ phiếu đóng băng lãi suất cơ bản ở mức 1,25% do vẫn lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 mới tăng chóng mặt và rủi ro địa chính trị ngày càng lớn xuất phát từ Đông Âu có thể làm giảm động lực phục hồi kinh tế của "xứ sở kim chi". Lần gần đây nhất BoK tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm là vào tháng Một vừa qua và đây cũng là lần tăng thứ ba liên tiếp kể từ tháng 8/2021, qua đó đưa lãi suất cơ bản trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Cuộc họp ấn định tỷ giá tiếp theo của BoK sẽ được tổ chức vào ngày 14/4 tới.
Các đợt tăng lãi suất gần đây của BoK chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn áp lực lạm phát ngày càng tăng và kiềm chế nợ hộ gia đình, sau khi tỷ lệ này đã được duy trì ở mức thấp trong khoảng hai năm để hỗ trợ nền kinh tế Hàn Quốc vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. BoK cho biết việc quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần này là nhằm có thêm thời gian để đánh giá tác động của ba đợt tăng lãi suất trước đó.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy số ca mắc COVID-19 mới trong ngày ở nước này đã vượt ngưỡng 170.000 ca ngày thứ hai liên tiếp, tăng gần gấp đôi so với một tuần trước đó. Tỷ lệ lây nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, căng thẳng xung quanh Ukraine (U-krai-na) cũng đang gia tăng khi Nga ra lệnh triển khai quân đội vào các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine. Ngay sau đó Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng một cuộc đụng độ quân sự trong khu vực có thể làm tăng giá năng lượng và nguyên liệu thô cho Hàn Quốc. Ngoài ra, hiện còn một lý do khác để BoK giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng này là nhằm đợi cho đến khi có thông tin rõ ràng về việc Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát nhanh và mạnh như thế nào trong tháng Ba tới.
Nền kinh tế Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đang trên đà phục hồi nhờ xuất khẩu tăng mạnh và chi tiêu phục hồi sau đợt sụt giảm do đại dịch COVID-19 gây ra. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc ước tính đã tăng 4% vào năm 2021, một sự thay đổi đáng kể so với năm 2020 khi nền kinh tế suy giảm 0,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Lạm phát vẫn là lực cản tiềm tàng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và sự phục hồi trong chi tiêu cùng với giá năng lượng cao và những khó khăn trong nguồn cung toàn cầu đã làm tăng thêm áp lực lạm phát. Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc đã tăng 3,6% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm 2021, duy trì trên mức 3% trong tháng thứ tư liên tiếp. Con số này của tháng Một vừa qua cũng cao hơn mục tiêu giữa kỳ của BoK là 2% trong tháng thứ 10 liên tiếp.