‘Bữa tiệc chứng khoán’ sắp mở màn?
Sự trở lại của dòng tiền
Thực tế, thị trường chứng khoán không hoàn toàn dựa vào tăng trưởng kinh tế mà phụ thuộc chính vào dòng tiền. Từ cuối năm ngoái, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều dự báo rằng trường chứng khoán 2023 sẽ tốt hơn 2022. Yếu tố được kỳ vọng nhất là sự cải thiện của dòng tiền.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), thị trường gần đây giao dịch tốt hẳn về cả điểm số và thanh khoản sau khi nhà đầu tư thoát khỏi tâm lý “sell in May” kèm một loạt tin hỗ trợ trong nước và thế giới như NHNN đã hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp sau những tín hiệu tích cực từ kiểm soát lạm phát và đà tăng giá USD chững lại. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và kế hoạch triển khai Block B Ô Môn, tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các nhà phát triển bất động sản cũng như Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ công đã thúc đẩy giá cổ phiếu các nhóm ngành hưởng lợi từ các thông tin trên như dầu khí, bất động sản, chứng khoán, đầu tư công, xây dựng điện và ngân hàng.
Diễn biến thị trường gần đây cho thấy dòng tiền đang được cải thiện. Thanh khoản thị trường phiên giao dịch ngày 2/6 đạt trên 16.880 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm và gấp ba lần so với đầu tháng 3 năm nay. Riêng trong tháng 5, TTCK Việt Nam tăng điểm mạnh hơn so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan (chỉ số SET tăng 0,4%), Malaysia (chỉ số FBMKLCI giảm 1,0%), Philipines (chỉ số PCOMP giảm 1,0%), Singapore (chỉ số STI giảm 1,9%) và Indonesia (chỉ số JCI giảm 3,1%).
Giám đốc đầu tư TVAM, ông Nguyễn Duy Quang dự báo TTCK sẽ vào “uptrend” từ nay đến năm 2024 do (1) Định giá chung toàn thị trường đã xuống mức hấp dẫn sau khi giảm mạnh gần 33% trong năm 2022; (2) Xu hướng giảm lãi suất trong nước hiện tại và thế giới từ năm 2024 trở đi; (3) Một loạt chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ’ (4) Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ phục hồi từ 6 tháng cuối năm 2023 so với mức nền thấp của năm 2022 và (5) Các kênh đầu tư thay thế chứng khoán vẫn đang kém hấp dẫn như bất động sản vẫn đóng băng, trái phiếu đang đánh mất niềm tin của nhà đầu tư và lãi suất tiền gửi bắt đầu xu hướng giảm.
“Vui thôi đừng vui quá”
Dù thị trường đang có nhiều tín hiệu tích cực, Giám đốc Đầu tư TVAM cũng lưu ý các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn không nên quá lạc quan kỳ vọng vào việc toàn bộ thị trường sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn và chọn cổ phiếu nào cũng thắng. Lý do chính là thị trường vẫn còn những biến số khó lường, đặc biệt là nền kinh tế, thị trường bất động sản và lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét. Ngoài ra, hiện NĐTNN vẫn đang trên đà rút ròng cho thấy dù thị trường tăng điểm nhưng đang có sự phân hóa lớn trong các nhóm cổ phiếu và tổ chức lớn vẫn đang có sự thận trọng nhất định đối với thị trường chứng khoán hiện nay.
Lý giải sự chùn tay của khối ngoại, bà Nguyễn Hoài Phương – Giám đốc Đầu tư Vinacapital - VESAF cho hay, nếu nhìn vào biểu đồ giá của VNIndex có thể thấy mức độ biến động giá 2022 là cao nhất trong 10 năm, qua đó cho thấy thấy môi trường đầu tư ngày càng khắc nghiệt. Các quỹ Vinacapital quản lý cũng phải đặt kỷ luật, quản trị rủi ro đầu tư lên hàng đầu.
Không phải tất cả đều tăng giá, cơ hội nếu chọn danh mục tốt
Nhìn chung xu hướng TTCK từ nay đến 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn, nhưng không phải tất cả cổ phiếu đều hưởng lợi từ dòng tiền cải thiện, mà sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Do đó, phần thưởng chỉ dành cho những nhà đầu tư có kỹ năng chọn cổ phiếu tốt.
Ví dụ về trường hợp của TVAM, ông Nguyễn Duy Quang cho biết tính đến 7/6/2023, các quỹ do TVAM quản lý đạt mức tăng trưởng 18% so với mức tăng 10% của VNIndex. Đóng góp chính vào lợi nhuận của quỹ là các khoản đầu tư vào các ngành ngân hàng, thép, bất động sản và dịch vụ bất động sản, chứng khoán và vận tải dầu khí.
Ông Quang cho biết, hiệu quả đầu tư tốt hơn thị trường của TVAM hiện tại cũng như trong 6 năm qua đến từ chiến lược đầu tư giá trị, tập trung vào các cổ phiếu có định giá hấp dẫn, có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai, có chính sách cổ tức tốt hay các cổ phiếu đang khó khăn tạm thời và bị quá bán nhưng có triển vọng phục hồi tốt trong tương lai gần.
Ngoài ra, một điểm khiến TVAM đạt hiệu quả cao trong đầu tư đó chính là việc “đi trước đón đầu dựa trên việc phân tích, dự báo về thị trường và triển vọng của doanh nghiệp và hạn chế tối đa việc tranh mua tranh bán với thị trường”.
Tính đến ngày 7/6, quỹ Vinacapital – VESAF đạt mức tăng trưởng 17% so với mức tăng 10,1% của VNIndex. Cũng như TVAM, VESAF cũng đạt được thành tích vượt trội VNIndex trong nhiều năm qua.
Để đạt hiệu quả đầu tư trên, bà Phương cho biết ngoài việc luôn đặt việc tuân thủ kỷ luật, quản trị rủi ro lên hàng đầu thì dựa theo diễn biến thị trường theo từng thời điểm, VESAP sẽ linh hoạt trong hoạt động đầu tư, kết hợp với những lợi thế từ nền tảng đa dạng của Vinacapital, giúp Quỹ hiểu sâu sát hơn tình hình thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết.
Bà Nguyễn Hoài Phương cũng cho biết, trong giai đoạn sắp tới, VESAF sẽ ưu tiên tìm kiếm cơ hội đầu tư khi nhận thấy TTCK đã đạt được vùng định giá gần như là đáy, chu kỳ kinh tế cũng gần chạm đáy.
Do đó, ngoài nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao như điện nước, bảo hiểm, VESAF sẽ đưa vào danh mục nhóm hưởng lợi từ chính sách nới lỏng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (chọn lọc); tiếp theo là nhóm hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng như vật liệu xây dựng, khu công nghiệp, dầu khí; thứ tư là chuyển dịch sản xuất toàn cầu như khu công nghiệp, dịch vụ hậu cần, cảng biển; thứ 5 là nhóm hưởng lợi từ Trung Quốc mở cửa như dịch vụ xuất khẩu chọn lọc, hàng hóa.
Ngoài ra, VESAF cũng duy trì một tỷ lệ tiền mặt nhất định nhằm duy trì sự linh hoạt trong đầu tư. Chẳng hạn khi giá cổ phiếu vừa và nhỏ đạt được mức giá kỳ vọng, VESAF sẽ bán ra và đầu tư vào thời điểm giá cổ phiếu hấp dẫn hơn.
Nên phân bổ tài sản như thế nào?
Với các nhà đầu tư cá nhân, ông Quang cho rằng việc phân bổ tài sản tùy theo khẩu vị rủi ro và quy mô vốn.
Nhà đầu tư có số vốn vừa phải với khẩu vị rủi ro trung bình và thời gian đầu tư từ 1 – 3 năm nên phân bổ 20% tài sản vào tiền gửi và các sản phẩm mang lại thu nhập cố định, 30% vào bất động sản và 50% vào cổ phiếu.
Lý do là thị trường bất động sản vẫn cần một thời gian dài nữa mới có thể phục hồi trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối và các sản phẩm thu nhập cố định sẽ mang lại mức lợi nhuận rất thấp nên đầu tư cổ phiếu giai đoạn hiện nay là ưu tiên cao nhất.
“Riêng với khoản vốn đầu tư cổ phiếu, nếu không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì nhà đầu tư chỉ nên dành 20% số vốn để tự giao dịch và trải nghiệm thị trường còn 80% vốn còn lại nên tham gia vào các quỹ đầu tư chủ động để có thể tìm kiếm lợi nhuận bền vững”, giám đốc đầu tư TVAM chia sẻ.