Bức tranh kinh doanh ngành thuỷ sản: Phân hóa mạnh trong quý I/2024
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Trong quý I, Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.504 tỷ đồng, tăng tới 25% so với cùng kỳ; lãi ròng cũng ở mức 7,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm tới 98 tỷ đồng.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Minh Phú cho biết, tăng trưởng vượt trội về lãi so với quý trước do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm của doanh nghiệp bắt đầu có hiệu quả.
Năm 2024, dù còn đối mặt với khó khăn nhưng doanh nghiệp này vẫn đề ra mục tiêu 15.805 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 46% so với thực hiện của năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 1.021 tỷ đồng. Nếu đạt được kết quả này, đây sẽ là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2008 đến nay.
Cũng trong ngành tôm, Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) đạt 1.460 tỷ đồng doanh thuần, tương ứng tăng tới 44% so với cùng kỳ; lãi trước thuế đạt 57,4 tỷ đồng, tăng 13%. Hiện, Sao Ta là doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, lớn thứ 4 sang Mỹ và lớn thứ 9 sang Hàn Quốc.
Năm 2024, Sao Ta cho rằng, thách thức của ngành tôm vẫn sẽ còn kéo dài ít nhất trong 6 tháng đầu năm, thậm chí có thể với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với năm 2023. Trong đó, vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm sang Mỹ và châu Âu; vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ có thể làm giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tôm Việt.
“Trước những thách thức của ngành tôm năm 2023, FMC tiếp tục chọn Nhật Bản là thị trường chiến lược lâu dài, tập trung phát triển thị trường này, đồng thời từng bước thâm nhập vào thị trường Trung Quốc,” ông Hồ Quốc Lực thông tin tại báo cáo thường niên năm 2023 của FMC.
Một doanh nghiệp lớn ngành tôm khác là Camimex (mã: CMX) cũng cho biết doanh thu 3 tháng đầu năm cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, lên mức 789 tỷ đồng; trong đó doanh thu bán thành phẩm tăng từ 323 tỷ đồng lên 758 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn và các chi phí khác tăng cao đã khiến lãi ròng của doanh nghiệp chỉ tăng 36%, đạt 31,3 tỷ đồng.
Trái ngược với sự tăng trưởng của ngành tôm, các doanh nghiệp cá tra lại ghi nhận những bước sụt giảm nhẹ. Tại “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (mã: VHC), trong quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 2.900 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,3%, về chỉ còn 9,3%.
Theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, nếu xét theo năm, từ năm 2009 tới năm 2023, chưa năm nào biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn về 9,3%, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là năm 2013 với mức 11,85%; và nếu xét theo quý, giai đoạn từ quý II/2020 đến quý III/2023, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn duy trì từ 10,56% đến 25,95% nhưng bất ngờ trong hai quý gần đây sụt giảm xuống dưới 10% (quý IV/2023 là 8,14% và quý I/2024 là 9,3%).
Lý giải lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong quý I mặc dù doanh thu tăng, Vĩnh Hoàn cho biết do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm.
Cùng với xu hướng sụt giảm của ngành cá tra, CTCP Đầu tư và phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã: IDI) ghi nhận giảm 7,5% về doanh thu, còn 1.629 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thành phẩm cá tra và dịch vụ đạt lần lượt 643 tỷ đồng và 10,1 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt là 20% và 38%. Lãi ròng trong quý của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản Nam Việt (mã: ANV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sâu 81% so với cùng kỳ còn 17 tỷ đồng trong quý I, mặc dù doanh thu chỉ giảm ở mức 12%.
Kết quả trái ngược của 2 nhóm thuỷ sản diễn ra trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam ghi nhận tăng tới 14% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước, tương ứng lên mức 686 triệu USD. Các thị trường chủ lực của ngành tôm là Mỹ cũng tăng 16% YoY, đạt 121 triệu USD; Trung Quốc và Hong Kong tăng tới 75%, đạt 128 triệu USD.
Trái ngược với sự tăng trưởng của ngành tôm, cá tra lại chỉ mang về 411 triệu USD trong quý đầu năm 2024, tương ứng giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong đNgành thuỷ sản hưởng lợi thế nào nếu Mỹ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường?ã giảm 22%, còn gần 112 triệu USD.
Ngành thuỷ sản hưởng lợi nếu Mỹ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường?
Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp (CVD) trong thời gian tới.
Ngoài những vấn đề như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước.