Bức tranh kinh tế bớt 'ảm đạm' của Mỹ trước khi năm 2021 khép lại

Minh Trang 11:47 | 25/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp hơn trước đại dịch, giữa bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh. Những thông tin này đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới dần khép lại năm 2021 với kết quả lạc quan.

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp hơn trước đại dịch, giữa bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh. Những thông tin này đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới dần khép lại năm 2021 với kết quả lạc quan.

Cụ thể, báo cáo ngày 23/12 của Bộ Lao động Mỹ cho hay, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ được điều chỉnh theo mùa được duy trì ở mức 205.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 18/12 vừa qua. 

Kết quả này phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế, sau khi chứng kiến số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống còn 188.000 vào tuần đầu tháng này, mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hiện đã giảm từ mức cao kỷ lục 6,149 triệu đơn ghi nhận vào đầu tháng 4/2020. Số đơn thường tăng trong những tháng thời tiết lạnh, nhưng sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động đã làm gián đoạn tính thời vụ đó, dẫn đến số lượng đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp điều chỉnh theo mùa thấp hơn trong những tuần gần đây.

Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics ở New York (Mỹ), dự đoán lượng đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ ở mức khoảng 200.000 đơn/tuần trong thời gian tới, do số lượng nhân viên bị sa thải vẫn ở mức thấp khi thị trường lao động thắt chặt. Theo bà, sự lan rộng của biến thể Omicron có thể làm gia tăng rủi ro đối với dự báo đó.

Sức bền bỉ của nền kinh tế Mỹ cũng được thể hiện trong các dữ liệu khác công bố cùng ngày, bao gồm doanh số bán nhà mới của Mỹ đạt mức cao nhất trong 7 tháng và lĩnh vực sản xuất vẫn tăng trưởng ổn định trong tháng 11, giữa bối cảnh nước này đang “chống chọi” với sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, do biến thể Delta và biến thể mới nhất Omicron khiến số ca nhiễm tăng cao đột biến. Điều đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế Mỹ trong quý I/2021.

Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton ở Chicago, cho biết: “Tất cả các trụ cột của nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành tốt trong quý IV/2021. Phần lớn điểm yếu của nền kinh tế đều liên quan đến sự lây lan mạnh của biến thể Omicron và nó có thể hiển thị trong các dữ liệu kinh tế của tháng 12, khi nhiều sự kiện bị hủy, hoạt động du lịch và chi tiêu cho các dịch vụ giảm bớt”.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động vẫn là một thách thức. Có những tín hiệu sáng cho thấy những người Mỹ thất nghiệp đang bắt đầu gia nhập trở lại lực lượng lao động, nhưng việc số ca nhiễm COVID-19 tăng cao có thể là một trở ngại.

Thị trường lao động Mỹ thắt chặt được thể hiện rõ nét bởi tỷ lệ thất nghiệp của nước này ở mức thấp nhất trong 21 tháng là 4,2% và số việc làm mới được tạo đạt mức kỷ lục là 11 triệu việc làm vào cuối tháng 10.

Mức lương của lao động cải thiện đáng kể do các công ty tranh giành nguồn nhân công khan hiếm, qua đó giúp củng cố hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng.

Báo cáo ngày 23/12 từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,6% trong tháng trước sau khi tăng 1,4% trong tháng 10. Trong đó chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ tăng 0,9%, chiếm gần như toàn bộ mức tăng trong chi tiêu của người dân Mỹ, dẫn đầu bởi dịch vụ nhà ở và các tiện ích. 

Chi tiêu cho hàng hóa tăng 0,1% do chi tiêu cho hàng hóa lâu bền như ô tô giảm 0,6%, phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chi tiêu cho hàng hóa cũng yếu hơn trong tháng 11 khi người Mỹ đã khởi động hoạt động mua sắm cho kỳ nghỉ lễ sớm hơn thường lệ để tránh việc cạn kiệt hàng hóa.

Thu nhập cá nhân của người dân Mỹ cũng tăng 0,4% trong tháng 11 vừa qua, do mức lương tăng 0,5%, giúp thúc đẩy một phần hoạt động chi tiêu, mặc dù lạm phát cao đã cắt giảm thu nhập của họ. Người tiêu dùng cũng dựa vào tiết kiệm để chi tiêu, dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm trong tháng này giảm từ 7,1% xuống 6,9%.

Lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng nhanh trong tháng 11, với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 0,5% sau khi tăng tương tự trong tháng 10. Trong 12 tháng tính đến tháng 11/2021, chỉ số PCE lõi của Mỹ đã tăng 4,7%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/1989.

Sự khan hiếm hàng hóa đang cản trở việc chi tiêu cho thiết bị của các doanh nghiệp. Báo cáo hồi đầu tuần này từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, các đơn đặt hàng đối với tư liệu sản xuất phi quốc phòng, trừ máy bay, đã giảm 0,1% trong tháng trước.

Brian Bethune, Giáo sư của Đại học Boston, nhận định rằng “Con hổ” lạm phát cần được “thuần hóa” chủ yếu bằng cách giải quyết những nút thắt và rào cản đáng kể trong ngành vận tải và vận chuyển, hiện đang hạn chế hàng hóa đến tay người tiêu dùng. 

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong quý IV/2021, sau khi tăng trưởng khiêm tốn với tốc độ 2,3% trong quý III. Các nhà kinh tế này dự kiến mức tăng trưởng kinh tế Mỹ cả năm 2021 sẽ đạt 5,6%, mức nhanh nhất kể từ năm 1984, sau khi suy giảm 3,4% vào năm 2020.