Bứt tốc tăng trưởng: Bài 2 - Sức bật từ 'bình oxy' đầu tư công
Cứ hình dung cơ thể cần oxy thế nào thì việc tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư công như thế. Thực tế, nhiều địa phương vẫn loay hoay và chưa biết sử dụng hiệu quả “bình oxy” đầu tư công nhưng cũng có nhiều địa phương đã biết cách gỡ từng nút thắt, tận dụng nguồn lực đầu tư công để tăng trưởng.
Dồn sức cho ngành, lĩnh vực trọng tâm
Cơn mưa rào bất chợt đổ ập xuống cũng không làm dịu đi cái nóng oi bức ngày hè ở Hải Phòng và cũng không làm giảm đi tiến độ lao động của công nhân trên công trường thi công đoạn đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy (Hải Phòng) đến đường bộ ven biển và tuyến đường kênh Hòa Bình.
Ông Khúc Văn Hải, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đường Kiến Thụy chia sẻ, tuyến đường có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thông mới của huyện và thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả vận tải của tuyến đường bộ ven biển. Đây là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các xã phía Nam của huyện Kiến Thụy. Đây còn là công trình trọng điểm của huyện Kiến Thụy, đã giải ngân được 80% nguồn vốn đầu tư và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Những hình ảnh ghi nhận sự khẩn trương trên công trường thi công đoạn đường nối tỉnh lộ 354 chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh tổng thể phục hồi nền kinh tế đầy gam màu sáng của thành phố Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố xác định tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 5 năm 2021-2025. Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 11,10% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 13,32%; nhóm dịch vụ tăng 9,05%. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 70,79 triệu tấn, tăng 7,87%. Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến 20/6/2022, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố đạt 981,61 triệu USD, bằng 78,96% so với cùng kỳ, đạt 39,26% kế hoạch năm. Đặc biệt lượng khách du lịch và thăm quan Hải Phòng ước đạt 3.013,95 nghìn lượt, tăng 27,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều đánh dấu sự hồi phục của ngành du lịch thành phố.
Đồng Nai cũng là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, giữa năm 2020 đến 2021 hàng loạt công ty phải tạm ngừng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt thấp. Trong bối cảnh đó, các ngành chức năng của địa phương đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó với tình hình dịch COVID-19 và đưa Đồng Nai trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bứt tốc tăng trưởng: Bài 1 - Trên quỹ đạo phục hồi 30/06/2022 - 07:27
Theo đại diện Sở Công Thương Đồng Nai, từ đầu năm nay, khi dịch COVID-19 được khống chế, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Gần 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai đạt gần 13,3 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy doanh nghiệp đang sản xuất ra lượng hàng hóa lớn hơn so với trước khi có dịch, đồng thời đã kết nối trở lại với bạn hàng cũng như thị trường thế giới.
Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, những năm qua, trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai thì doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ lớn với hơn 75%, số còn lại thuộc về khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước khoảng 23% và kinh tế Nhà nước chiếm 2%. Hàng năm, doanh nghiệp FDI thường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, gần 6 tháng qua, xuất khẩu của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng trên 35% so với cùng kỳ, trong khi doanh nghiệp FDI chỉ tăng khoảng 7%.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp ngoài Nhà nước là dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê, hạt tiêu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày một sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn lại 2 năm qua, TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, tăng trưởng hai quý cuối năm 2021 đều ở mức âm là minh chứng cho sự khó khăn của đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này TP Hồ Chí Minh đang dần lấy lại hình ảnh đầu tàu kinh tế bằng sự tăng trưởng trở lại ở nhiều lĩnh vực.
Theo công bố mới đây của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,82%. Riêng trong tháng 6, ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 41,1% và 6 tháng đầu năm đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2021… Kết quả tăng trưởng tích cực cho thấy các lĩnh vực, ngành nghề đang từng bước phục hồi tốt, nhất là nhóm ngành thương mại, dịch vụ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết tăng trưởng kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh đã tăng trưởng dương trở lại từ động lực tăng trưởng của những ngành công nghiệp chủ chốt của thành phố. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể và phá sản giảm mạnh trong khi các doanh nghiệp thành lập mới lại tăng cao so với cuối năm 2021. Ngoài ra, thu hút đầu tư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều tăng cả ở lĩnh vực FDI và tư nhân.
Thực tế cho thấy, bên cạnh việc phát huy nội lực kinh tế của mỗi địa phương thì việc tận dụng nguồn "vốn mồi" đầu tư công hiệu quả sẽ thu hút đầu tư tư nhân và tạo được sức bật cho cả nền kinh tế.
Gỡ nút thắt đầu tư công để bứt tốc
Từ bỏ nguồn thu gần 1 tỷ đồng từ trại gà và ao cá, ông Nguyễn Văn Ngạo, thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã sớm bàn giao mảnh đất 12 nghìn mét vuông cho đơn vị thi công đoạn đường nối tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy (Hải Phòng) đến đường bộ ven biển và Tuyến đường kênh Hòa Bình để đơn vị này kịp thời triển khai công việc đúng tiến độ.
Nhấp một ngụm trà ông Ngạo chậm rãi chia sẻ: “Tôi cũng chả tính thiệt hơn bởi thấy các chú cũng vất vả làm tối ngày mà giải phóng mặt bằng cứ tắc hết chỗ này đến chỗ kia thì bao giờ mới có đường mà đi, thôi thì mình cứ đi trước”.
Ông Khúc Văn Hải, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đường Kiến Thụy tâm sự, giải phóng mặt bằng luôn là điểm thắt khó gỡ của các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công, cả một dự án nhiều khi nằm đắp chiếu hàng tháng trời chỉ vì một vài điểm nghẽn.
“Việc gần dân, chia sẻ, giúp đỡ và đền bù hợp lý là phương án mà đơn vị đưa ra để có thể tháo gỡ khó khăn” ông Hải chia sẻ.
Câu chuyện của ông Ngạo, ông Hải chỉ là lát cắt trong vô vàn những vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công tại các địa phương. Có một thực tế, đầu tư công luôn đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là "cú hích" cho phục hồi kinh tế.
Chia sẻ về việc chuyển hóa nguồn lực đầu tư công trên địa bàn thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công luôn được coi trọng, vốn đầu tư công có vai trò là vốn mồi dẫn dắt cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Tính đến cuối tháng 6, vốn giao kế hoạch năm 2022 giải ngân ước đạt 5.469 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn giao trong năm giải ngân 5.446 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30% kế hoạch vốn, bao gồm: vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 608 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47,21%; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân là 4.838 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29%; vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 đã giải ngân ước đạt 22,67 tỷ đồng, bằng 11,11% vốn kéo dài.
Trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khoảng 30%, đây là tỷ lệ không phải quá thấp nhưng cũng không đạt được đúng như kỳ vọng. Thành phố đã đưa ra rất nhiều giải pháp mà một trong số đó là đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đã chủ trì họp với tất cả các quận huyện, ban quản lý dự án và đưa ra trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, trong giải phóng mặt bằng để tháo nghẽn, đẩy nhanh tiến độ.
Từ nguồn lực của đầu tư công, thành phố Hải Phòng đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp và các lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Theo ông Long, Hải Phòng đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm chủ lực.
Hải Phòng, cũng thành lập các tổ công tác trong các lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút đầu tư, bảo đảm sao cho doanh nghiệp cảm thấy hài lòng nhất và thấy rằng họ đầu tư và tin tưởng vào chính quyền.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư công cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng giao thông. Và giao thông luôn là vấn đề sống còn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một ví dụ nhỏ là trước đây khi chưa có cây cầu Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre như một bán đảo hoàn toàn biệt lập với các vùng lân cận khác. Chính vì vậy việc giải ngân đầu tư công luôn được tỉnh Bến Tre đẩy mạnh.
Trao đổi với phóng viên tại công trường dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Vọng, một trong những dự án đầu tư công trọng điểm ở tỉnh Bến Tre, ông Bùi Thanh Phúc, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bến Tre chia sẻ, việc triển khai xây dựng công trình đã nhận được sự giúp đỡ và tạo điều kiện từ lãnh đạo tỉnh, từ việc giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn cũng như sự ủng hộ của người dân địa phương nên dự án đã triển khai theo đúng thời gian dự kiến và sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, phải khẳng định rằng đầu tư công của Bến Tre bị ảnh hưởng nặng nề của năm 2021, nhưng rút kinh nghiệm của năm 2021 thì tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch từ rất sớm, giao kế hoạch vốn cho từng chủ đầu tư từng dự án ngay từ đầu năm và trong sáu tháng đã giải ngân được khoảng 50%, cao hơn bình quân của cả nước và khu vực. Nói vậy không có nghĩa là tỉnh Bến Tre không gặp vướng mắc nhưng theo ông Sơn thì việc chủ động các phương án tháo gỡ khó khăn khi giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân được tỉnh chuẩn bị phương án kỹ, làm sao đảm bảo công trình đúng tiến độ mà người dân được đền bù hợp lý.
Tận dụng những nguồn lực của đầu tư công để kích hoạt kinh tế địa phương, tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tập trung kết nối thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp duy trì thị trường tiêu thụ tiềm năng và mở rộng thị trường mới. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới để mở rộng thị trường, gia tăng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu.
Nhìn vào những con số về tình hình kinh tế - xã hội nửa năm 2022 mà Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh mới công bố cho thấy mức độ hồi phục khả quan của đầu tàu kinh tế cả nước. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khó khăn vẫn còn nhiều và nếu sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công sẽ mang lại sức bật mạnh hơn cho TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết, cần đẩy mạnh việc tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh và hiệu quả các nguồn vốn; tăng mức đầu tư công như "vốn mồi" để thu hút đầu tư tư nhân. Theo kinh nghiệm các năm qua, nếu Tp. Hồ Chí Minh đầu tư 1 đồng vốn ngân sách thì thu hút khoảng 8-10 đồng vốn đầu tư xã hội. Chính đầu tư của Nhà nước trở thành vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân, nên nếu không có sự đột phá để gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư công, thì không thể hấp thụ được vốn, kể cả nguồn vốn tư nhân.
Bài 3: Doanh nghiệp trở lại guồng quay