BXH VNR500: Hoà Phát vượt Vingroup trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

Trang Mai 17:17 | 15/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Danh sách top 10 VNR500 2022 vẫn là sự góp mặt của những cái tên quen thuộc, 9/10 vị trí được chiếm lĩnh bởi các đại diện của năm 2021. Nhưng thứ hạng năm nay có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là các vị trí trong Top 5.

Bảng xếp hạng VNR500 2022: Top 5 có sự biến động mạnh

Ngày 15/11, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022. Đây là năm thứ 16 danh sách này được công bố, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định.

Danh sách top 10 VNR500 2022 vẫn là sự góp mặt của những cái tên quen thuộc, 9/10 vị trí được chiếm lĩnh bởi các đại diện của năm 2021. Nhưng thứ hạng năm nay có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là các vị trí trong Top 5.

Đáng chú ý, công ty Cổ phần tập đoàn Hòa Phát đã vươn lên vị trí đầu của bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong năm 2022, tăng 3 bậc so với năm ngoái, đồng thời đẩy Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuống vị trí thứ 2.

 Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021 và 2022. Ảnh:Vietnam Report

Ở vị trí thứ 3 là Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động, tụt 1 bậc so với năm 2021. Masan được nâng lên một hạng, đứng ngay sau Thế Giới Di Động. Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ghi nhận bước lùi từ vị trí thứ 3 (vào năm 2021) xuống vị trí thứ 5.

Các thứ hạng còn lại trong top 10 thuộc về những đại diện quen thuộc, lần lượt là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Tập đoàn Thành Công. Cuối cùng là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), thay cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn của năm ngoái. 

Thay đổi tiêu chí xếp hạng

Năm nay, phương pháp xếp hạng của VNR500 chọn tiêu chí chính là doanh thu, chứ không phải tổng quy mô tài sản hay nguồn vốn.  Vietnam Report cho biết, họ nhận thấy mô hình đánh giá đơn giản và hiệu quả về doanh thu của Fortune 500 là phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, vì vậy bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên tiêu chí doanh thu.

Các tiêu chí khác như tổng tài sản, tổng số lao động, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông cũng được tham chiếu để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thế của doanh nghiệp.

Cũng theo Vietnam Report, dữ liệu đánh giá tính đến thời điểm 31/12 của năm trước đó. Như vậy, với bảng xếp hạng VNR500 của năm 2022, dữ liệu đánh giá được lấy theo số liệu báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp.

Theo số liệu BCTC hợp nhất được kiểm toán năm 2021 các doanh nghiệp công bố, doanh thu thuần của Hòa Phát ghi nhận 149.680 tỷ đồng, tăng 66% từ 90.119 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi doanh thu thuần 2021 của Vingroup là 125.688 tỷ đồng, tăng 13,8% từ 110.490 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2020.

Như vậy, với sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số, Hòa Phát đã vượt qua Vingroup trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng này.

Trong khi đó, nếu xét về quy mô tài sản, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Hòa Phát ghi nhận đạt 178.239 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 41% so với tổng tài sản 428.384 tỷ đồng của Vingroup cùng thời điểm.

 

Trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2022 cũng cho thấy, hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu so với bảng xếp hạng năm ngoái. Điểm sáng lớn nhất đến từ hoạt động bán lẻ với tổng mức tăng trưởng doanh thu lên tới 120%. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự phục hồi của hoạt động Vận tải - Logistics trong bối cảnh kinh tế mở cửa trở lại và sự vươn lên của các ngành Khoáng sản, xăng dầu và Thép nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, giá thép tăng cao trong giai đoạn vừa qua.