Hòa Phát (HPG): Thách thức còn ở phía trước

Thùy Dương 17:52 | 09/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành thép bước vào giai đoạn suy thoái theo chu kỳ, hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm. Trước những tác động ngoại cảnh theo chiều hướng tiêu cực, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ra quyết định đóng cửa 4/7 lò cao của công ty.

Trong thông báo gửi các đối tác ngày 4/11, HPG cho biết sẽ tạm dừng hoạt động 4 lò cao (2 lò ở Dung Quất và 2 lò ở Hải Dương). Đồng thời, dự kiến đến đầu tháng 12 sẽ phải dừng thêm 1 lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất. Hiện nay, công ty đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương.

Phía công ty cho biết trong bối cảnh tình hình thị trường thép đang khó khăn như hiện nay, việc giảm sản lượng là biện pháp tốt nhất để "đảm bảo tính sống còn của doanh nghiệp".

Không riêng HPG, cuối tháng 9 qua, CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) cũng đã thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện. Đồng thời, POM cũng chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty do kinh doanh quá khó khăn.

Trong thông tin mới nhất gửi cổ đông về tình hình kinh doanh tháng 10, HPG cho biết sản lượng bán thép giảm mạnh khi nhu cầu cả trong và ngoài nước đều yếu. Cụ thể, sản lượng thép thô đạt 567.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, bằng 45% cùng kỳ; thép HRC ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%. Thị trường xuất khẩu sụt giảm hơn 73%. Tuy nhiên, thép HRC vẫn tăng trưởng so với tháng 9/2022 và tháng 10/2021. Kết quả này là nhờ một số lô xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Malaysia.

Ngoài các sản phẩm trên, HPG còn cung cấp hơn 57.000 tấn ống thép, 27.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường, giảm lần lượt 20% và 39% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế 10 tháng, công ty đã sản xuất 6,6 triệu tấn thép thô, giảm 2% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 6,2 triệu tấn, giảm 3%. Trong đó, thép xây dựng đạt 3,6 triệu tấn và thép HRC đạt 2,3 triệu tấn, tăng tương ứng 13% và 9% so với cùng kỳ.

Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép đạt 634.000 tấn, tăng 11%. Tôn mạ các loại đạt 276.000 tấn, giảm 13% so với lũy kế 10 tháng năm 2021.

 

Còn theo báo cáo tài chính quý III/2022, trong quý, doanh thu thuần của HPG đạt 34.103 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ 2021, ghi nhận lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ cao nhất từ trước đến nay. Ngược lại, giá vốn tăng 23,5% khiến biên lợi nhuận gộp ở mức thấp nhất từ cuối năm 2013 còn 2,9%, trong khi quý I/2022, con số này là 23%. Biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% trong quý I xuống còn -5% trong quý III 

 
 

 

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, HPG thông qua kế hoạch doanh thu tiếp tục tăng nhẹ so với năm trước nhờ sản lượng của khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, sản phẩm container và điện máy gia dụng. Với chỉ tiêu đã đặt ra cho doanh thu 160 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trong khoảng 25 đến 30 nghìn tỷ đồng, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, công ty hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và mục tiêu lợi nhuận năm.

Thế khó của HPG và ngành thép

Chứng khoán Mirae Asset (MAS) hồi tháng 8 nhận định lạm phát sẽ khiến sản lượng thép suy giảm và xu hướng dự kiến tiếp diễn trong năm nay.

"Chúng tôi dự phóng tổng sản lượng 2022 của HPG, đạt 9,16 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng tôn mạ, ống thép và HRC bán thương mai đóng góp sản lượng lần lượt là 1,1 triệu tấn (-3% so với cùng kỳ) và 2,863 triệu tấn (+9%  so với cùng kỳ ), chiếm 35% tổng sản lượng của HPG trong năm tài chính 2022.

Sản lượng thép xây dựng và phôi thép chúng tôi dự phóng trong năm 2022F đạt 5,198 triệu tấn (+3% svck). Trên giả định giá thép xây dựng về mức 16,7 triệu/tấn và giá quặng điều chỉnh về mức USD125/tấn trong 6 tháng cuối 2022, chúng tôi dự phóng tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG năm 2022 lần lượt đạt 150.724 (+1% svck) và 24.557 tỷ (-28,9% svck).

Còn trong báo cáo triển vọng ngành thép mới nhất của VCBS hồi tháng 8, nhóm nghiên cứu đánh giá rằng giá thép sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong nửa cuối 2022.

Trong chu kỳ giảm giá, HPG với lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất sẽ tận dụng cơ hội để gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bằng lò điện bằng cách hạ sâu giá bán. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận thấy giá thép thanh tại Việt Nam có mức độ tương quan lên tới 90% với giá thép phế, cao hơn rất nhiều với giá thép Trung Quốc hay các nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt hay than cốc.

Ước tính trong kịch bản cơ sở khi giá thép phế ở mức trung bình 380 USD như hiện nay, HPG có thể hạ giá bán xuống mức 540 USD/tấn ~ 12,5 triệu đồng/tấn. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm, giá thép có thể tìm đến vùng giá thấp hơn nữa.