Các hãng dầu khí lớn đã trải qua 1 tuần lịch sử với nhiều biến động
Royal Dutch Shell đã thua một vụ kiện pháp lý mang tính bước ngoặt tại một tòa án Hà Lan. Qua đó, công ty này sẽ phải cắt giảm 45% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Vụ việc mang tính cảnh báo với toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ, báo hiệu mức độ phát thải khí nhà kính ở Phạm vi 3 (chỉ lượng khí nhà kính do người tiêu dùng cuối cùng tạo ra). Nhiều vụ kiện liên quan đến khí thải có khả năng tiếp tục xảy ra.
Phán quyết của tòa án lệnh cho Shell phải đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể khiến sản lượng năng lượng của công ty này giảm 12%, doanh số bán dầu và khí đốt sẽ giảm mạnh.
Theo sau cú sốc của Shell, ExxonMobil đã thua trong cuộc bỏ phiếu hội đồng quản trị. Engine No.1, một quỹ đầu tư mới thành lập được 6 tháng và chỉ chiếm 0,02% cổ phần ExxonMobil (khoảng 250 triệu USD) đã giành được 2 ghế trong hội đồng quản trị. Chiến thắng này được coi là một tuyên bố gây sốc và mạnh mẽ của các cổ đông khi họ không hài lòng với gã khổng lồ dầu mỏ vì đã không có hành động thích đáng để giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh đối với khi hậu. Và đối với Exxon, điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi lớn.
Nhiều hãng dầu lớn đang đối mặt với nguy cơ phản đối từ chính các cổ đông do chính sách không quan tâm tới biến đổi khí hậu. Ảnh: Texas Public Radio.
Engine No.1 cho biết ExxonMobil sẽ phải cắt giảm sản lượng dầu. CEO của quỹ đầu tư trẻ phát biểu: "Họ cần phải định vị bản thân để thành công... Bạn chắc chắn sẽ tin điều đó nghĩa là sản lượng dầu và khí đốt sẽ ít hơn trong tương lai". Nhà sáng lập Engine No.1, Chris James nói thêm: "Cuộc họp hôm qua là ví dụ hoàn hảo về cách họ không nhận ra thế giới đã thay đổi. Tất cả đều được phơi bày".
Hãng dầu lớn khác là Chevron cũng thua trong một cuộc bỏ phiếu đáng chú ý về Phạm vi 3. Hơn 60% cổ đông đã bỏ phiếu để giảm thiểu khí nhà kính Phạm vi 3. Đây là một thất bại lớn nữa đối với ngành công nghiệp dầu mỏ.
Giá dầu tăng sau những trận chiến trong phòng họp. Giá dầu tăng vào đầu ngày 28/5, ngày thứ 6 liên tiếp và đang trên đà tăng hàng tuần và hàng tháng sau những thất bại về chính sách khí hậu của các công ty dầu mỏ lớn phải gánh chịu vì các cổ đông và thẩm phán. Sau chuỗi thất bại của Shell, Exxon và Chevron tới lượt công ty Total của Pháp đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng ngặt nghèo của các nhà đầu tư đối với chiến lược của công ty.
Những sự kiện trên đã dẫn tới rủi ro tín dụng ngày càng tăng đối với các ông lớn trong ngành dầu khí. Theo công ty dịch vụ đánh giá tín dụng trái phiếu, Moody’s Investor Service thì: “Phán quyết mới của tòa án chống lại Royal Dutch Shell và các phiếu bầu của cổ đông tại ExxonMobil và Chevron nhấn mạnh rủi ro tín dụng ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất dầu lớn do lo ngại về biến đổi khí hậu”.
Trung Đông đang muốn trở thành trung tâm của năng lượng xanh trên thế giới. Ảnh: Power Technology.
Trong khi đó, chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có nhiều động thái cả ở lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch lẫn năng lượng tái tạo. Hồ sơ mới của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy, Tổng thống Biden đang ửng hộ dự án dầu mỏ Willow tại Alaska.
Đồng thời, Mỹ cũng gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Dự án Dòng chảy phương Bắc Nord Stream 2 là dự án xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga tới Tây Âu. Mỹ nói rằng các biện pháp trừng phạt "phản tác dụng". Chính quyền của ông Biden vẫn giữa quan điểm mới về việc hạn chế các lệnh trừng phạt với các công ty hoạt động trong dự án Nord Stream 2 vì lý do có nguy cơ rạn nứt quan hệ với các đồng minh Châu Âu.
Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Biden đã tuyên bố quyết định mở các lô tại ngoài khơi bang California để phát triển điện gió. Nhưng vùng nước sâu ngoài khơi xa khiến quyết định này rất khó thực hiện, đồng thời hiện quân đội Mỹ cũng đang phản đối chính sách này. Hiện tại, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng đang đề xuất các quy định về an ninh mạng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt.
Trong khi đó, Trung Đông - trung tâm của thế giới dầu mỏ đang có một cuộc đua để phát triển năng lượng xanh, với tham vọng biến thành trung tâm năng lượng xanh toàn cầu.
Tiệp Nguyễn