Các hãng taxi truyền thống hay taxi công nghệ đang phải đóng thuế nhiều nhất?
Mới gia nhập thị trường Việt Nam khoảng 6 năm trở lại đây, các hãng xe công nghệ đã chiếm lĩnh thị phần lớn, khiến các công ty xe taxi truyền thống “lao đao”.
Xe truyền thống đóng thuế “teo tóp”
Báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) nêu rõ, công ty đạt tổng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế là 115,25 tỷ đồng. Công ty phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định hiện hành là hơn 23 tỷ đồng, đồng thời công ty có hơn 3 tỷ đồng chi phí không được khấu trừ.
Như vậy công ty còn lợi nhuận sau thuế hơn 89 tỷ đồng. Trong năm 2018, công ty cũng phát sinh số thuế giá trị gia tăng (GTGT) hơn 124,5 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân là 4,53 tỷ đồng và thuế khác là 35 triệu đồng. Tổng cộng các loại thuế phải nộp trong năm 2018 là hơn 155 tỷ đồng.
Dịch vụ vận tải công nghệ đóng thuế ngày càng tăng. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Bước sang năm 2019, doanh thu của Vinasun đạt 1.991,2 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế đạt 139 tỷ đồng. Thuế TNDN công ty phải đóng là 30,8 tỷ đồng. Trong năm 2019, Vinasun phát sinh thuế GTGT là 147,57 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 4,65 tỷ đồng và thuế khác là 39,8 triệu đồng. Tổng cộng các loại thuế Vinasun phải nộp là hơn 183 tỷ đồng.
Sau 9 tháng năm 2020, Vinasun đạt doanh thu hơn 743,7 tỷ đồng và công ty bị lỗ gần 185 tỷ đồng. Do đó trong năm nay Vinasun chưa phát sinh thuế TNDN. Riêng thuế GTGT 9 tháng năm 2020 cũng đạt hơn 58,23 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 2,28 tỷ đồng cùng thuế khác hơn 39 triệu đồng. Tổng cộng các loại thuế Vinasun phải nộp sau 9 tháng năm 2020 là hơn 60,56 tỷ đồng.
Còn Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho thấy doanh thu đạt gần 2.217 tỷ đồng. Chi phí thuế TNDN của Mai Linh đến hết năm 2019 là 12,7 tỷ đồng.
Hay Công ty vận chuyển Saigontourist có doanh thu năm 2019 là gần 35,3 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ taxi chiếm gần 1/3 là 9,87 tỷ đồng; còn lại là doanh thu từ dịch vụ đào tạo lái xe và cho thuê xe.
Dù vậy cả năm 2019, công ty này bị lỗ 13,7 tỷ đồng nên không phải nộp thuế TNDN. Công ty có phát sinh thuế thu nhập cá nhân là 62,85 triệu đồng, thuế nhà đất hơn 10 tỷ đồng... Tương tự, năm 2018 công ty cũng bị lỗ nên không nộp thuế TNDN.
Hay Công ty cổ phần PGT Holding (nguyên là Công ty cổ phần taxi Gas Sài Gòn Petrolimex) 9 tháng năm 2020 đạt doanh thu 2,79 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ lũy kế gần 40 tỷ đồng nên cũng không nộp thuế TNDN. Còn năm 2019, công ty có tổng doanh thu 202 triệu đồng nhưng vẫn lỗ hơn 16,4 tỷ đồng nên không nộp thuế TNDN. Nhưng công ty có phát sinh các loại thuế gồm thuế thu nhập cá nhân 455 triệu đồng, thuế nhà thầu gần 109 triệu đồng, thuế môn bài 3 triệu đồng.
Ngược lại với những công ty vận tải truyền thống, số thuế của các công ty ứng dụng công nghệ những năm gần đây cũng tăng lên. Chẳng hạn, nghĩa vụ thuế của Grab năm 2018 hơn 441 tỷ đồng, gấp 2,3 lần con số năm 2017 (189 tỷ đồng). Trong năm 2019, Bộ Tài chính cũng có thông tin 9 công ty vận tải taxi ứng dụng công nghệ, có số thuế năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 là 437 tỷ đồng.
Một cán bộ thuế cho biết số thuế nộp của các công ty vận tải ứng dụng công nghệ ngày càng tăng so với những năm trước đây. Lý do là cước phí vận chuyển của các công ty này thấp hơn so với truyền thống nên lượng người dùng cũng tăng; thêm vào đó đội ngũ xe phát triển hằng năm khá lớn (chỉ tính riêng Grab số liệu thông tin lên 175.000 xe) nên doanh thu tăng, nghĩa vụ thuế cũng tăng lên.
Chính sách thuế chưa phù hợp?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basio, cho rằng mô hình kinh tế chia sẻ hoàn toàn mới, việc ứng dụng công nghệ trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ hiện nay đang ngày càng phát triển.
Cần có một đánh giá tổng thể về những mặt kinh tế, xã hội của mô hình này để áp dụng chính sách thuế hợp lý hơn. Việc ứng dụng công nghệ vào dịch vụ cho phép kiểm soát được hành trình chuyến đi, thu nhập... và việc kiểm soát, quản lý thuế của nhà nước cũng thuận tiện hơn thì sao không phát triển.
Đồng quan điểm, một chuyên gia về thuế tại TP.HCM phân tích, các công ty taxi truyền thống hiện đang áp dụng kê khai và khấu trừ thuế GTGT 10% theo nguyên tắc được khấu trừ thuế đầu vào với đầu ra.
Tuy nhiên, các hãng vận tải công nghệ như Grab lại khó thực hiện được việc khấu trừ đầu vào khi hợp tác với hàng ngàn cá nhân ở nhiều nơi. Ví dụ khi các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh có thể lấy hóa đơn khi quy định các xe đổ xăng ở một hệ thống cửa hàng nhất định thì bản thân các tài xế Grab là cá nhân lại khó làm được điều này.
Hơn nữa, bản thân người tài xế cũng không biết đến kế toán, sổ sách để kê khai... Vì vậy, việc áp dụng chung thuế GTGT 10% là không phù hợp với mô hình kinh doanh này mà cần áp dụng một mức thuế khoán như kiểu hộ kinh doanh của các ngành nghề khác.
Ngược lại, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng nguyên tắc chính sách thuế áp dụng chung cho các ngành nghề đều giống nhau, trong trường hợp ưu đãi thì cần những chính sách khác.
Nếu không sẽ gây ra tình trạng nhờ ưu đãi thuế hay cách tính thuế khác nhau mà giá cả cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trong một ngành nghề không lành mạnh. Việc thay đổi thuế đối với lĩnh vực xe công nghệ gây quan tâm chú ý gần đây đã được cơ quan thuế giải thích.
Trước đây, xe công nghệ chưa có giải thích rõ quy định ở các văn bản pháp luật nên được tạm tính theo hướng dẫn của cơ quan thuế, nay Chính phủ xác định là ngành kinh doanh vận tải nên chuyện đóng thuế 10% GTGT như các công ty khác là bình thường.
Luật sư Trần Xoa nói thêm: Đã là mô hình kinh tế chia sẻ thì phía công ty tham gia mô hình này cũng cần xem lại việc chia sẻ thêm đối với tài xế và người tiêu dùng đối với nghĩa vụ thuế. Đồng thời công ty cần tính toán để có thể thực hiện khấu trừ thuế GTGT đối với tài xế như xăng, chi phí sửa xe...
Hải Yến (Theo Thanh niên)