Các nền kinh tế ASEAN có thể vượt qua biến động thị trường

Lê Minh/ TTXVN 10:59 | 10/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn đánh giá của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore cho biết các nền kinh tế lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đứng vững trước những biến động bất ổn của thị trường trong năm 2023 sau tình trạng hỗn loạn tương tự vào năm ngoái nhờ các nguyên tắc cơ bản vững chắc của khu vực.

Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Trong báo cáo của UOB về triển vọng kinh tế toàn cầu quý I năm nay, nhà kinh tế Enrico Tanuwidjaja đánh giá các thị trường trên toàn cầu đã trải qua một năm 2022 đầy biến động bởi ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giá cả tăng đột biến và gián đoạn nguồn cung năng lượng và hàng hóa, lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác, đồng USD tăng giá... 

Mặc dù vậy, các nền kinh tế ASEAN đã phục hồi trong năm ngoái và điều này sẽ giúp ích cho họ khi đối mặt với những thách thức của năm nay, trong đó có nguy cơ suy thoái ở Mỹ, Anh và châu Âu, các điều kiện tài chính bị thắt chặt, căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung và xung đột Nga-Ukraine, cùng nhiều vấn đề khác.

Theo báo cáo của UOB, tăng trưởng GDP của hầu hết nền kinh tế ASEAN đã phục hồi mạnh mẽ trong quý II và quý III/2022 nhờ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu trong nước ngày càng tăng khi các hạn chế về COVID-19 hầu hết đã được dỡ bỏ trên khắp khu vực. Malaysia đứng đầu danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong quý III/2022. Ngoại trừ Thái Lan, sản lượng quốc gia hiện đã trở lại mức trước đại dịch do ASEAN được hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu và việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu trong nước. Các lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất trong khu vực được hưởng lợi chính, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, mặc dù nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới do lãi suất tăng trên toàn cầu làm giảm chi tiêu và hoạt động kinh doanh.

Báo cáo của UOB cũng nhận định việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đại dịch COVID-19 và mở cửa trở lại các nền kinh tế trong nước trên khắp ASEAN kể từ giữa năm 2022 đã góp phần thúc đẩy đà phục hồi khi lượng du khách tăng mạnh và các ngành dịch vụ phục hồi. Những yếu tố này dự kiến sẽ là trụ cột chính cho các nền kinh tế ASEAN trong năm nay.

Trong khi đó, việc tích lũy dự trữ ngoại hối kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã cho phép tạo ra một vùng đệm lớn hơn trước sự biến động của thị trường tài chính. Báo cáo cho biết, bất chấp sự cạn kiệt trong 12 tháng qua do đồng USD mạnh lên, dự trữ ngoại hối trong các nước ASEAN vẫn đáng kể so với mức năm 1997. Những khoản dự trữ này sẽ tiếp tục đóng vai trò là tấm đệm chống lại dòng vốn chảy ra khỏi thị trường trong nước.

Hơn nữa, hầu hết các thành viên ASEAN có khoản nợ nước ngoài ngắn hạn tương đối nhỏ (dưới 10%) so với dự trữ ngoại hối của họ, ngoại trừ Indonesia và Malaysia. Điều này giữ cho các nền kinh tế ở một vị trí tốt để chịu được áp lực của đồng USD mạnh lên và lãi suất toàn cầu tăng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng do bản chất hướng theo xuất khẩu của các nền kinh tế ASEAN, không thể xem nhẹ khả năng tác động lan tỏa từ một số yếu tố rủi ro còn lại. Theo ông Tanuwidjaja, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng GDP trên toàn thế giới sẽ thấp hơn trong năm 2023 với các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh trải qua sự sụt giảm cả năm, các nền kinh tế lớn của ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại khoảng 5% trong năm nay từ mức trên 6% trong năm 2022.