Các nền tảng số 'Made in Vietnam' và cú huých đặc biệt của COVID-19

14:51 | 26/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xây dựng nên nền tảng số tại Việt Nam là vấn đề của doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra bài toán khó cho những nhà hoạch địch chính sách...

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội tương lai.

Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do đại dịch COVID-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu nhưng các nền tảng số như Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh. 

Một số nghiên cứu cho rằng, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Đồng thời, cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi sau đại dịch.

Các nền tảng số 'Made in Vietnam' và cú huých đặc biệt của COVID-19 - ảnh 1

Báo Công Thương cho biết, tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain&Company năm 2019 cho thấy kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kinh tế nền tảng chiếm vai trò quan trọng.

Đại dịch COVID là thời điểm để các chủ thể của nền kinh tế nhận ra vai trò của kinh tế số và sự cần thiết của các nền tảng. Đây có thể là động lực để tạo nên bước ngoặt lớn cho Việt Nam hoặc sẽ là niềm nuối tiếc lớn nếu chúng ta bỏ lỡ. 

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, một số nền tảng của người Việt đang manh nha hình thành, nhưng sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt vì nhiều nền tảng nước ngoài đã có chi phí cận biên gần như bằng không và đang dần xác lập hiệu ứng mạng độc quyền.

Tại Tọa đàm chính sách trực tuyến "Xây dựng các nền tảng số riêng của Việt Nam - Ý tưởng và tính khả thi" do UPGen Vietnam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 21/4 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sở hữu các nền tảng số hoạt động đa dạng lĩnh vực tương tự như trên thế giới.

Một số nền tảng có tốc độ phát triển nhanh và mạnh như Momo - dịch vụ ví điện tử tiếp cận hơn 10 triệu người dùng (năm 2018) và thành công gọi vốn trị giá trị hơn 100 triệu USD từ Warburg Pincus, đồng thời lọt top 100 công ty công nghệ tài chính lớn nhất toàn cầu.

Hay Zalo - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí tương tự như Whatssap của Facebook chứng kiến doanh thu tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2019 và lợi nhuận trước thuế tăng 1,5 lần lên mức 641 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng không ít những tên tuổi xuất hiện đình đám nhưng nhanh chóng biến mất trên thị trường như Lotus, Gapo - mạng xã hội được kỳ vọng sẽ thay thế Facebook.

Trong khi đó, Momo chiếm ưu thế hơn so với các nền tảng nước ngoài như Paypal vì hệ thống ngôn ngữ, giao diện gần gũi với người Việt, khả năng kết nối với nhiều ngân hàng nội địa thông qua hệ thống thẻ tín dụng mà phần đông người Việt sở hữu.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều nhất trí rằng, nền tảng số mới vẫn có khả năng thành công nếu đảm bảo được tính khác biệt.

Điển hình như Instagram, một nền tảng kết nối xã hội tương tự như Facebook, song cá biệt hóa mình bằng hình thức chia sẻ thông tin chủ yếu bằng hình ảnh hay như Tiktok thu hút tương tác qua các video độc đáo mà người sử dụng đăng lên.

Về ý tưởng để xây dựng nền tảng số riêng của Việt Nam, VEPR cho rằng, sẽ không có một mô hình chuẩn nào. Các nền tảng muốn vươn ra thế giới, trước hết nên đảm bảo sự sinh tồn tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, để cạnh tranh với những nền tảng đã có sẵn với đông người sử dụng, không còn cách nào khác ngoài cách tăng tính khác biệt và tính nội địa hóa.

Trao đổi trên báo Lao Động, TS Trần Mai Hiến (Bộ Công Thương) đánh giá, sự phát triển sôi động của kinh tế số tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn cả trong và ngoài nước.

Khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động phải đổi mới để thích nghi vì các kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống trước đây cũng chuyển sang môi trường số. Việc này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động.

Baoquocte.vn dẫn trao đổi từ nguyên Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR TS. Phạm Sỹ Thành: "Nếu quyết tâm xây các nền tảng số "của người Việt, cho người Việt" như Lotus, Gapo giống như cách Trung Quốc đang xây dựng nền tảng số Wechat, Tik Tok bằng cách ngăn chặn sự phát triển của Facebook, Twitter tại thị trường nội địa thì chúng ta có thể mất nguồn vốn lớn đổ vào doanh nghiệp do không vượt qua được hiệu ứng mạng độc quyền, làm xáo trộn các hoạt động thương mại, sản xuất sẵn có; cưỡng chế sự tự do lựa chọn của người sử dụng nền tảng.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc chấp nhận xây dựng nền tảng số "Made in Vietnam" sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo và Việt Nam có thể làm chủ công nghệ".

Dữ liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)  cho thấy, với khoảng 64 triệu người sử dụng Internet và 57% dân số có tài khoản mạng xã hội, kinh tế số Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển không ngừng và hiện có tới 25% tổng số người dân tham gia mua hàng trực tuyến qua mạng xã hội. 

Năm 2018, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD nhưng sang năm 2020, con số này sẽ tăng vọt lên 13 - 15 tỷ USD. 

Xây dựng nên nền tảng số tại Việt Nam là vấn đề của doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra bài toán khó cho những nhà hoạch địch chính sách: Khuyến khích doanh nghiệp Việt tự xây mới nền tảng hay tận dụng các nền tảng đã có sẵn của nước ngoài. Cùng với doanh nghiệp, nhà hoạch địch chính sách cần có cái nhìn xa trông rộng. Việc chấp nhận xây dựng nền tảng Việt hoàn toàn sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo, làm chủ công nghệ.

Lệ Vỹ (T/h)