Các ngân hàng Châu Âu muốn chấm dứt sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực thanh toán
Lần cuối cùng các ngân hàng của Châu Âu dự định xây dựng một nhóm thanh toán có khả năng đối đầu với những gã khổng lồ Mỹ đang thống trị trong lĩnh vực này, họ đã thất bại thảm hại.
Nhưng khi Dự án Monnet sụp đổ vào năm 2011, không ai nói về mối đe dọa thương mại từ các công ty công nghệ Mỹ và các hệ thống thanh toán của nước này.
Giờ đây, khi các chính trị gia tin rằng hệ thống thanh toán châu Âu là một vấn đề về chủ quyền, một số công ty cho vay lớn nhất của Châu Âu đã hợp tác để khởi động một cuộc tấn công mới nhằm vào các đối thủ thống trị lĩnh vực thanh toán tại Mỹ.
Kế hoạch đã có một khởi đầu khó khăn vào hè năm ngoái khi tập đoàn nước giải khát PepsiCo của Mỹ phản đối tên đề xuất của nó là: Sáng kiến Hệ thống Thanh toán Liên Âu (The Pan-European Payment System Initiative viết tắt là PEPSI).
Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ chốt vẫn lạc quan rằng kế hoạch trên, hiện được gọi là Sáng kiến Thanh toán Châu Âu (European Payments Initiative - EPI), có thể thành công.
EPI sẽ gặp rất nhiều trở ngại để thuyết phục các ngân hàng tại Châu Âu chấp nhận gia nhập hệ thống thanh toán chung. Ảnh: FT.
Wolf Kunisch, trưởng bộ phận chiến lược của công ty xử lý thanh toán Worldline có trụ sở tại Paris, nói rằng vào năm 2011 “không có sự hỗ trợ chính trị nào cả”. Bây giờ thì “Ủy ban Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu. . . hiểu rằng để có chủ quyền của Châu Âu, bạn cũng cần phải có các hệ thống thanh toán của Châu Âu”.
Theo ông Kunisch, họ đã nhận ra rằng: "vào bất kỳ ngày nào, một tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho Mastercard hoặc Visa không được kinh doanh nữa với một bộ phận người dân nhất định. . ."
EPI được chống lưng bởi 30 ngân hàng và hai trong số các công ty xử lý thanh toán lớn nhất Châu Âu. Nhiệm vụ của nó là tạo ra một dịch vụ thanh toán toàn châu Âu có thể được sử dụng để thanh toán trực tuyến cũng như tại các cửa hàng, thanh toán hóa đơn giữa người tiêu dùng cá nhân và rút tiền mặt tại các máy ATM.
Nó cũng được thiết kế để phá vỡ cái mà chủ tịch EPI, Joachim Schmalzl gọi là “độc quyền nhóm bán” do Mỹ thống trị. Các ngân hàng của Châu Âu đang cân nhắc lợi ích của chính họ, nhận thức rằng nếu họ không hành động ngay bây giờ, họ có thể bị thách thức bởi các công ty công nghệ như Apple và Google đang ngày càng lấn sân sang lĩnh vực của họ.
Ông Philippe Heim, giám đốc điều hành của Banque Postale của Pháp, nói: “Nếu chúng tôi không xây dựng một người chơi Châu Âu trong lĩnh vực thanh toán ngày hôm nay, thì đó sẽ là người Trung Quốc hoặc người Mỹ chỉ huy".
Ông Joachim Schmalzl, cũng là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Ngân hàng Tiết kiệm Đức, tập đoàn ngân hàng bán lẻ lớn nhất của nước Đức, cảnh báo rằng các đối thủ đó sẽ “ngày càng lấy đi thị phần” từ các ngân hàng Châu Âu.
Động cơ lợi nhuận rõ ràng hơn
Theo EuroCommerce, một nhóm vận động hành lang các nhà bán lẻ châu Âu thì ngày nay có 4/5 giao dịch ở Châu Âu được xử lý bởi Mastercard và Visa. Trong khi ở phía bên kia, các ngân hàng và các ngân hàng mua lại đang thúc đẩy EPI, hiện xử lý hơn một nửa tổng số khoản thanh toán của Châu Âu.
Khối lượng kinh doanh quan trọng đến từ các ngân hàng như Deutsche Bank, BNP Paribas, ING, UniCredit và Santander mang lại sức nặng cho EPI. Thực thể có trụ sở tại Brussels có thời gian đến tháng 9 để lên kế hoạch. Nếu các ngân hàng đứng sau EPI bật đèn xanh, các ứng dụng thực tế đầu tiên có thể được tung ra vào đầu năm 2022.
Sự gia tăng của thanh toán không tiền mặt tại Châu Âu. Ảnh: FT.
Một số trở ngại từng làm sụp đổ dự án Monnet 2011 đã biến mất. Vào thời điểm đó, các ngân hàng châu Âu sở hữu Visa Europe không muốn tạo ra đối thủ cạnh tranh. Năm 2015, Visa Europe được công ty mẹ mua lại. Bây giờ động cơ lợi nhuận đã rõ ràng hơn nhiều.
Ông Philippe Heim cho biết: “Nếu nó là công cụ của chúng tôi, điều đó có nghĩa là tiền ký quỹ là của chúng tôi. Bởi vì chúng tôi đã thấy rằng với Visa Europe hoặc Visa Inc, hoặc Mastercard vào cuối ngày, các điều kiện tài chính được áp đặt cho chúng tôi bởi các nhà khai thác lớn”.
Các nhóm công vụ đang họp hàng tuần để cố gắng định hình EPI nhưng vẫn còn những trở ngại đáng kể.
Schmalzl cho biết: “Đây không phải là trường hợp mà thế giới đang chờ đợi một người chơi khác cung cấp các giải pháp [thanh toán] bổ sung”. Các sản phẩm của EPI “tất nhiên cần phải thân thiện với khách hàng, nếu không muốn nói là tốt hơn” so với các sản phẩm của Visa, Mastercard và PayPal.
Cách xây dựng cơ sở khách hàng
EPI cũng phải đối mặt với bài toán con gà - quả trứng. Để hệ thống hoạt động, bạn cần người bán sẵn sàng chấp nhận thanh toán và người dùng sẵn sàng thanh toán. Có được cả hai cùng một lúc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt vì việc triển khai đầy đủ có thể mất nhiều năm và một khởi đầu không tốt có thể giết chết cơ hội thành công của EPI.
Một chủ ngân hàng cao cấp của Pháp tham gia vào dự án cho biết: “Phải mất một thập kỷ và một đại dịch để công nghệ thanh toán không tiếp xúc thực sự hoạt động”.
Một câu hỏi quan trọng khác là liệu các ngân hàng Đức và Pháp có sẵn sàng chuyển các chương trình thanh toán quốc gia hiện có - Girocard ở Đức và Carte Bancaire vào EPI hay không. Một chủ ngân hàng Đức tham gia vào các thuộc thảo luận nói: “Nếu không có một cam kết đáng tin cậy để làm vậy, EPI sẽ không thể thành công”.
Giao dịch qua thẻ tại Châu Âu. Ảnh: FT.
Những người quen thuộc với dự án cảnh báo rằng niềm tự hào quốc gia và nỗi sợ hãi về việc thay thế các hệ thống thanh toán đã được thiết lập bằng một giải pháp thay thế (chưa chứng minh được tính hiệu quả), vẫn là những trở ngại ghê gớm.
Mặt khác, các chủ ngân hàng lo ngại rằng các hệ thống trong nước không có tương lai riêng của mình. Chuyên gia thanh toán của một công ty cho vay lớn tại Đức cho biết: “Girocard đã phải hứng chịu việc đầu tư quá mức trong ít nhất một thập kỷ”, hệ thống này không hoạt động trực tuyến và cũng không hoạt động ở nước ngoài.
Một nhân vật cấp cao của một ngân hàng Pháp đồng ý với EPI, nói rằng nếu các chương trình thẻ ở Pháp không phát triển ở quy mô Châu Âu, chúng "sẽ chết" trong 10 năm tới. Nhân vật này mong muốn các loại thẻ sẽ bắt đầu chuyển sang EPI vào năm 2023.
Chủ ngân hàng của Đức nói: “Điều mà EPI cần là một người nắm quyền lãnh đạo”. Vì ngay cả sự phối hợp giữa các tổ chức cho vay khác nhau của Đức đang tham gia EPI, cũng “khó khăn và không hiệu quả”. Những yếu tố cần cho sự đồng thuận thường tốn nhiều thời gian và thường dẫn đến việc thống nhất về “mẫu số chung thấp nhất”.
“Rủi ro lớn nhất là những người có liên quan quyết định rằng nó quá phức tạp và quyết định rời đi”.
Câu hỏi về cạnh tranh và thỏa hiệp
Một ví dụ về nhu cầu thỏa hiệp vượt trội hơn ý thức thương mại là vị trí trụ sở chính của EPI ở Brussels. Marcus Mosen, một nhà tư vấn thanh toán và là cựu giám đốc điều hành công ty thanh toán Concardis của Đức, cho biết: “Lựa chọn đó giống như một quyết định chính trị, nếu xét trên lý do thương mại thuần túy thì Berlin, Paris hoặc Amsterdam sẽ là lựa chọn tốt hơn".
Hiện tại, những người ủng hộ EPI đã trích ra 30 triệu Euro - một khoản tiền kha khá để tài trợ cho sự phát triển ban đầu của kế hoạch, nhưng còn thiếu "hàng tỷ Euro" mà Schmalzl cho là cần thiết.
Các chủ ngân hàng ở Đức và Pháp đồng ý vì, như hiện nay, các cổ đông EPI sẽ phải chịu chi phí phát triển và chi phí chuyển đổi cao, chẳng hạn như hủy hợp đồng và hoán đổi thẻ, cho người dùng và người bán.
Sự gia tăng số lượng của các điểm rút tiền và POS tại Châu Âu. Ảnh: FT.
Có một cách khác để giảm chi phí là khai thác các quỹ của EU. Schmalzl nói: “Chúng tôi tin rằng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Châu Âu, người ta không nên chỉ làm đường mà còn có khả năng xây dựng ‘đường thanh toán’".
Nhưng các ngân hàng cũng lo ngại rằng các khoản tiền của EU có thể đi kèm với các ràng buộc.
Và trong khi các nhà hoạch định chính sách Châu Âu bật đèn xanh cho EPI, các chủ ngân hàng lo ngại về sự cạnh tranh xuất phát từ kế hoạch cho một phiên bản kỹ thuật số của đồng Euro.
Đồng tiền kỹ thuật số theo kế hoạch của ECB, một phần được coi là một cách để cải thiện thanh toán xuyên biên giới, có thể cạnh tranh trực tiếp với EPI và do đó ăn vào lợi nhuận ngân hàng. Nhưng như một quan chức cấp cao của Eurosystem, đơn vị quản lý tiền tệ thuộc ECB nói: “Chúng ta phải nghĩ đến người tiêu dùng, ngân hàng và hệ thống tài chính tổng thể. Vì vậy, các ngân hàng nên làm công việc của họ và chúng tôi sẽ làm việc của chúng tôi".
Bất chấp những khó khăn, các ngân hàng Châu Âu và các nhà xử lý thanh toán lạc quan rằng lần này sẽ khác. Mặc dù kế hoạch hiện chỉ có các ngân hàng từ 6 quốc gia tham gia, những người thân cận với nó hy vọng những ngân hàng khác sẽ sớm tham gia, bao gồm cả Ý.
Tiệp Nguyễn (theo Financial Times)