Các ngân hàng dồn dập tăng vốn mùa cuối năm

14:31 | 16/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đứng trước cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán ngân hàng diễn biến bất thường. Vì vậy các ngân hàng đã phải lao vào cuộc đua tăng vốn để kéo lại lợi nhuận cho một năm sóng gió.
Cụ thể, MB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa mức vốn điều lệ ghi trong giấy phép là gần 27.988 tỷ đồng.
 
Các ngân hàng dồn dập tăng vốn mùa cuối năm - ảnh 1
 
 
HDBank cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn là từ gần 12.708 tỷ đồng lên hơn 16.088 tỷ đồng với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. LienVietPostBank tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỷ đồng lên 10.746 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019. Hay như TPBank cũng vừa tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên hơn 10.716 tỷ đồng; ACB cũng hoàn tất tăng vốn từ hơn 16,627 nghìn tỷ đồng lên hơn 21,615 nghìn tỷ đồng; Techcombank tăng vốn lên hơn 35,049 nghìn tỷ đồng… 
 
Nhiều ngân hàng lựa chọn bán cổ phần của mình ra nước ngoài để tăng vốn điều lệ trong nước, cùng với yếu tố kinh tế Việt Nam là một điểm sáng khu vực khiến sóng M&A ngân hàng sẽ tiếp diễn.
 
Có thể nói, lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua dù có phần nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn là vấn đề được quan tâm. Các thương vụ mua bán vốn vẫn diễn ra. Chẳng hạn như OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác Aozora (Nhật Bản). Hay như thương vụ MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài như: KIM Vietnam Growth Equity, ITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund, Fiera Capital… với giá bán 27.000 đồng/cp và thu ròng 1.720 tỷ đồng.
 
Mục đích phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng là nhằm tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và các đối tác.
 
Nhìn nhận về vấn đề tăng vốn, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng vẫn rất lớn. Tổng tài sản tăng, tín dụng và đầu tư tăng, thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng gần tương ứng. Ví dụ, tổng tài sản tăng 10-12% thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng ít nhất 7-8%. Do đó, các ngân hàng phải liên tục tăng vốn. "Mặc dù thời gian qua một số ngân hàng đã thực hiện tăng vốn. Nhưng để đảm bảo đủ vốn kinh doanh cũng như an toàn hoạt động các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tăng trong giai đoạn tới", ông Lực khuyến nghị.
 
Thực chất, các ngân hàng nhiều giải pháp để tăng vốn như từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn; huy động từ các cổ đông hiện hữu; phát hành thêm cổ phần để tăng vốn hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài… Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện tại khiến thị trường chứng khoán biến động bất thường, nhiều nhà băng đã chọn giải pháp tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. 
 
 
Mỹ Duyên