Bamboo Airways sắp tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng, những doanh nghiệp nào hiện có vốn điều lệ lớn hơn?
Tại đại hội cổ đông bất thường ngày 9/5 mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã đề xuất phương án phát hành 772 triệu cổ phiếu BAV để hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu, và phát hành 185 triệu cổ phiếu BAV để chào bán cho cổ đông mới.
Theo phương án này, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ tăng từ 18.500 tỷ hiện nay lên 28.070 tỷ sau phát hành, tức là thêm 9.570 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways sẽ thu về 1.850 tỷ đồng tiền mặt, còn lại 7.720 tỷ được hoán đổi trực tiếp cho chủ nợ.
Thành viên HĐQT Lê Thái Sâm cho rằng nhu cầu tài chính của Bamboo Airways trong thời gian tới là rất lớn, việc chỉ thu về 1.850 tỷ và nâng quy mô vốn lên 28.070 tỷ là chưa thỏa đáng.
Ông Sâm đề xuất phát hành thêm 378 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, để Bamboo Airways có thể thu về 3.780 tỷ đồng tiền mặt và nâng vốn điều lệ lên thành 30.000 tỷ đồng. Đại hội đã thông qua đề xuất của ông Sâm với tỷ lệ tán thành trên 99%.
Nếu phương án phát hành của ông Sâm diễn ra suôn sẻ, Bamboo Airways sẽ có vốn điều lệ đứng đầu ngành hàng không và xếp thứ 15 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) hiện có vốn điều lệ lần lượt 22.144 tỷ và 21.770 tỷ đồng, cao hơn mức vốn của Bamboo Airways hiện nay nhưng thấp hơn mục tiêu mà đại đa số cổ đông của Bamboo đã phê duyệt.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) hiện có vốn điều lệ 5.416 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với hai đối thủ là Vietnam Airlines và Bamboo Airways.
Cổ phiếu của Vietjet và Vietnam Airlines đều đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ chí Minh (HOSE). Về phần Bamboo Airways, từ 2019 đến nay, hãng hàng không với tên gọi cây tre này đã công bố nhiều kế hoạch lên sàn, từ IPO trên đất Mỹ, niêm yết ở các sàn HOSE hoặc HNX ở Việt Nam, đến đăng ký giao dịch ở thị trường UPCoM.
Hiện nay, cổ phiếu Bamboo Airways vẫn chưa được niêm yết hay giao dịch tập trung ở bất cứ sàn nào.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) hiện có quy mô vốn lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị 67.434 tỷ đồng, tương ứng với 6,71 tỷ cổ phiếu VPB đang lưu hành và khoảng 88 triệu cổ phiếu quỹ.
Tháng 10/2022, VPBank phát hành thêm gần 2,24 tỷ cổ phiếu VPB để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, từ đó vượt qua Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) để giành ngôi quán quân vốn điều lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong số những doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng (và số cổ phiếu lưu hành trên 3 tỷ đơn vị) còn 7 ngân hàng khác là BIDV (Mã: BID), VietinBank (Mã: CTG), Vietcombank (Mã: VCB), Ngân hàng Quân đội (Mã: MBB), Techcombank (Mã: TCB), Ngân hàng Á Châu (Mã: ACB), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB).
Công ty cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) hiện chỉ đăng ký giao dịch 244 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM nhưng tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty này là hơn 3,1 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn hóa 31.005 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) có hơn 1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nhưng chỉ đăng ký giao dịch ở UPCoM khoảng 201 triệu cổ phiếu.