Các ngân hàng lớn phương Tây đối diện với nguy cơ mất trẳng hàng tỷ USD khi rời thị trường Nga
Theo Financial Times, khoảng một tháng trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ông Andrea Orcel, CEO UniCredit, đã muốn mua một ngân hàng Nga và thậm chí tham gia một buổi trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin về các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Italy.
Hiện tại, ông Andrea Orcel phải đối mặt với khoản lỗ lên tới 7 tỷ EUR ở tình huống xấu nhất và toàn bộ mảng kinh doanh tại Nga của UniCredit bị xoá bỏ.
Những ngân hàng chọn cách ở lại đối mặt với cái giá của việc không chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo.
"Các lệnh trừng phạt leo thang khiến điều này là không thể tránh khỏi", chủ tịch một ngân hàng lớn của Châu Âu, nói. "Lệnh trừng phạt không khác gì một quả bom nguyên tử từ khía cạnh kinh tế… nếu chúng tôi có thể hoạt động trở lại vào lúc này thì thực sự là một điều kỳ diệu".
Những ngân hàng liên quan nhiều nhất đến Nga
Bên cạnh UniCredit, một số ngân hàng toàn cầu khác có liên quan nhiều đến Nga cũng phải kể đến Société Générale và Raiffeisen (Châu Âu) và Citigroup (Mỹ).
4 ngân hàng này công bố khối lượng tài sản liên quan đến Nga đạt 57,2 tỷ USD. Con số này không nhỏ song cũng không lớn đến mức bộ đệm vốn của ngân hàng không thể hỗ trợ được.
Bên cạnh các vấn đề nói trên, một thách thức khác nằm ở việc hơn 30.000 nhân sự đang làm việc tại các nhà băng này có nguy cơ mất việc. Tổng cộng, 4 ngân hàng này đang vận hành 417 chi nhánh và có gần 10 triệu khách hàng ở Nga.
Cơ quan chức năng Nga đã đe doạ sẽ bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp chỉ trích chính phủ đồng thời thu giữ tài sản của các công ty đa quốc gia đang muốn rời đi, một động thái chưa từng có.
"Đây là một thay đổi lớn. Làm thế nào một công ty quốc tế lớn có thể tiếp tục hoạt động tại đó?", ông Stefan Fisher, cựu CEO Citigroup Ukraine, người từng làm việc ở cả Moscow và Kyiv, trong 2 thập niên tới năm 2018, chia sẻ.
"Việc Nga quốc hữu hoá tài sản nước ngoài đồng nghĩa với việc đóng cửa và tuyên bố tài sản suy giảm toàn bộ", ông nói thêm. "Nếu Nga bị vỡ nợ tín dụng, các doanh nghiệp cũng không thể hoạt động và người tiêu dùng Nga sẽ không dùng được thẻ dụng do các tổ chức Phương Tây phát hành, lúc đó đâu còn nhu cầu thị trường để phục vụ", ông Fisher nói và nhấn mạnh thêm rằng các nhân viên Nga của các công ty nước ngoài sẽ mất việc.
Nhiều nhân sự cao cấp của các nhà băng Phương Tây như ông Orcel đang chuẩn bị 3 kịch bản: bán mảng kinh doanh, dừng hoạt động hoặc chuyển nhượng cho nhà nước. Và ở giai đoạn này, các ngân hàng đều cho biết đang nỗ lực để hiểu về các lựa chọn của mình.
UniCredit, ngân hàng vào Nga năm 2005, tập trung nhiều hơn vào mảng cho vay doanh nghiệp so với các đối thủ Phương Tây của mình. Cho vay doanh nghiệp chiếm hơn 3/4 tổng dư nợ của nó tại Nga. Phần lớn trong số này là các công ty đa quốc gia mảng dầu khí, giao thông, kim loại, tài chính và hoá chất.
Những hợp đồng này không thể cắt đứt một cách đơn giản và việc các công ty khó tiếp cận USD hay EUR lúc này đồng nghĩa với thực tế rằng tình hình trả nợ sẽ bị ảnh hưởng.
"Với tôi, rất dễ để tuyên bố rời Nga, đó là những gì chúng tôi muốn làm", ông Orcel chia sẻ. "Dù vậy, UniCredit có khoảng 4.000 nhân sự tại Nga. Chúng tôi phục vụ 1.500 doanh nghiệp. Chúng tôi cần cẩn trọng đánh giá sự phức tạp và hậu quả của việc rời đi".
Những lựa chọn thực sự khó khăn
Cho đến thời điểm hiện tại, ngân hàng trung ương Nga chưa cho thấy các động thái quốc hữu hoá tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn tin nội bộ nhiều ngân hàng Phương Tây, nói với FT.
Nguồn tin nói thêm rằng ngân hàng trung ương Nga không muốn chịu trách nhiệm cho tình hình thanh khoản nếu nhu tình trạng rút tiền ồ ạt diễn ra. Đó là chưa kể đến việc ngân hàng trung ương Nga hoàn toàn hài lòng với việc để các ngân hàng nước ngoài làm việc tại Nga vì họ là một nguồn cung ứng ngoại tệ quan trọng.
Thế nhưng, tình hình căng thẳng leo thang vẫn khiến nhiều lãnh đạo các ngân hàng lo lắng.
"Hiện tại, ngân hàng trung ương Nga sẽ không muốn cắt bỏ một kết nối quan trọng giữa Nga và thế giới bên ngoài. Thế nhưng, nếu tình hình cấm vận tệ đi, họ sẽ có thêm nhiều động lực để quốc hữu hoá tài sản", một lãnh đạo chia sẻ.
Mặc dù tịch thu cưỡng chế tài sản sẽ làm giảm bớt áp lực phải ra quyết định của các lãnh đạo ngân hàng, cổ đông không đồng ý với điều này. UniCredit đã cảnh báo rằng nếu 7 tỷ EUR bị xoá bỏ trong tình huống xấu nhất, họ có thể sẽ phải hoãn, giảm hoặc huỷ kế hoạch mua cổ cổ phần trị giá 2,6 tỷ EUR.
Dừng kinh doanh tự nguyện có thể là phương án khó khăn nhất, theo các ngân hàng. "Không giống các công ty bán lẻ, chúng tôi không thể để lại hàng hoá ở Nga và sa thải nhân sự - Chúng tôi là một công ty với tài sản và nghĩa vụ cần giải quyết. Điều này gây ra không ít rắc rối".
Phương án cuối cùng là bán mảng kinh doanh cho ngân hàng Nga là lựa chọn hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, tìm một người mua với các điều kiện chấp nhận được và có thể phải xin tạm thời dừng cấm vận có vẻ rất khó với Citigroup. Nhà băng này đã muốn bán mảng kinh doanh ở Nga từ mùa hè năm ngoái.
"Chúng tôi vẫn ở đó để hỗ trợ khách hàng nhưng rõ ràng là mọi thứ đang khó khăn hơn", một nguồn tin thân cận với Citigroup nói.
Ngân hàng Société Générale (Pháp) cũng đang quan tâm đến tương lai của ngân hàng con Rosbank (Nga). Ngân hàng này có 12.000 nhân sự và khoảng 3,1 triệu khách hàng tại Nga. Ở nội bộ công ty, Société Générale cho biết không có áp lực phải vội vãi rời Nga.
Raiffeisen (Áo), với 4,2 triệu khách hàng và 22,9 tỷ EUR tài sản liên quan đến Nga, là một trong số các nhà băng Phương Tây vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động tại Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea 8 năm trước.
Nga đóng góp tỷ trọng khoảng 1/3 lợi nhuận của Raiffeisen và giá cổ phiếu của Raiffeisen đã giảm 50% kể từ khi vụ việc tại Nga nổ ra.
Hai tuần trước, CEO Johann Strobl khẳng định ngân hàng này "sẽ không rời đi". Thế nhưng, vào hôm 17/3, ông cho biết đang "đánh giá toàn bộ các lựa chọn chiến lược cho tương lai của Raiffeisen Nga, có thể bao gồm một đợt rời khỏi thị trường này với sự thận trọng trong quản lý".
Với các ngân hàng không có các công ty con, quá trình có thể đơn giản hơn. Nhiều ngân hàng đầu tư Phương Tây như JPMorgan, Goldman Sachs và Deutsche Bank đã bắt đầu tời Nga, mặc dù lãnh đạo tại các ngân hàng khác đều hoài nghi về ý nghĩa thực sự của công bố này.
Một số ngân hàng có sự liên quan về tài chính với Nga thấp cũng cảm thấy rắc rối liên quan đến công nghệ hoặc bảo mật dữ liệu.
Deutsche có 1.500 nhân sự tại trung tâm công nghệ Nga và nhiều khả năng phải đóng cửa bộ phận này. Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng Thuỵ Sĩ nói đang phục vụ toàn bộ các khách hàng Nga từ Thuỵ Sĩ và phải xoá bỏ các dữ liệu nhạy cảm ở văn phòng Moscow trong trường hợp nó bị thu giữ.