Đề xuất Ngân hàng Nhà nước mở rộng không gian pháp lý cho ngân hàng số

Báo Tin Tức/TTXVN 07:42 | 28/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại diện một ngân hàng thương mại (NHTM) mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu mở rộng không gian pháp lý cho ngân hàng số và tài chính số như: Cơ chế sandbox (khung thể chế thí điểm), chấm điểm tín dụng, cho vay điện tử, phát triển nền tảng Open API (Giao tiếp lập trình ứng dụng mở) để có thể chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các đơn vị trong cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: SBV

Đưa ngân hàng số đến gần với người dùng

Phát biểu tại Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành ngân hàng gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW diễn ra ngày 27/5, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết: Ngân hàng xác định chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà là chuyển đổi mạnh mẽ thấu hiểu khách hàng.

Theo đó, BIDV đã triển khai qua 3 trụ cột chính, đó là: Phát triển hệ sinh thái số, đưa ngân hàng số đến gần hơn với người dân; thứ hai, đồng hành cùng chuyển đổi số quốc gia và kiến tạo hạ tầng số phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; thứ ba, phát triển chuyển đổi số nội bộ.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng giám đốc BIDV.

“BIDV tập trung phát triển vệ sinh thái số toàn diện, đưa ngân hàng số đến gần hơn với khách hàng. Với khách hàng cá nhân, BIDV tập trung hóa xóa rào cản công nghệ bình dân phục vụ ngân hàng số và thông qua thiết kế các trải nghiệm thật đơn giản, minh bạch và hỗ trợ trực tuyến 24/7”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết.

Đối với doanh nghiệp, BIDV trở thành một đối tác đồng hành kiến tạo, cung cấp các nền tảng số cho khách hàng doanh nghiệp, giúp cho các đối tác nâng cao về năng lực quản trị, tư duy số, vận hành đường bộ đến chiến lược phát triển doanh nghiệp…

Về chuyển đổi số - trụ cột thứ ba, BIDV cũng tập trung để chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động nội bộ. Đến nay, BIDV đã có hơn 1.000 cán bộ, chuyên gia làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và có hàng ngàn cán bộ đã là cán bộ kinh doanh, giỏi kiến thức công nghệ. 

Đại diện BIDV đề xuất xây dựng hạ tầng số quốc gia, kết nối ngân hàng với dữ liệu bảo hiểm, thuế, bất động sản, y tế thông qua mô hình tích xanh tài khoản để người dân có thể sử dụng dịch vụ công tài chính xác thực, vay vốn liền mạch và minh bạch.

Tại VietinBank, tôn chỉ chuyển đổi số là thay đổi toàn diện tư duy, mô hình kinh doanh, phương thức làm việc thông qua số hóa, ứng dụng công nghệ và dữ liệu. Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng VietinBank, đối với dữ liệu, ngân hàng đã đầu tư cho dữ liệu, làm sạch, làm giàu dữ liệu, dùng các model phân tích nâng cao, máy học, trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, từ đó mang lại những giá trị mới cho từng sản phẩm dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời tối ưu hoạt động vận hành.

VietinBank áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tối ưu quy trình phát triển phần mềm, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống đảm bảo hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Đề cập về tính năng giải ngân online được áp dụng thành công tại VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng, thay vì khách hàng cần 1 đến 4 giờ tại chi nhánh để thực hiện đăng ký và chờ thủ tục giải ngân, thì nay khách hàng chỉ cần 3 - 5 phút là hoàn tất quy trình, tiền về tài khoản. Doanh số giải ngân lên tới 45.000 tỷ đồng.

VietinBank hiện có 267.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng thường xuyên, VietinBank eFAST với hơn 130 tính năng, số lượng giao dịch đạt 48 triệu giao dịch/năm 2024, tăng 46% so với năm 2023. VietinBank eFAST đang trở thành kênh giao dịch thuận tiện cho các doanh nghiệp.

“VietinBank là ngân hàng nhóm Big4 đầu tiên có dịch vụ mở tài khoản thanh toán trực tuyến dành cho khách hàng doanh nghiệp”, ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết.

Bảo vệ an toàn cho khách hàng khi dùng dịch vụ    

MB xác định trọng tâm chiến lược là xây dựng một tổ chức có năng lực công nghệ vượt trội, nơi mọi quyết định được đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu chuyên sâu và thấu hiểu khách hàng.

Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB.

Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT MB cho biết: Ngân hàng đặt mục tiêu trở thành “Doanh nghiệp số, tập đoàn tài chính hàng đầu”, định hướng chiến lược dài hạn không chỉ dừng lại ở tăng trưởng mà còn hướng tới là “tổ chức phát triển bền vững" dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu. 

Phía MB đặc biệt nâng cao năng lực an ninh, an toàn thông tin và năng lực quản trị của đội ngũ nhân sự. Theo đó, MB đặt ra quy định về năng lực, cấp độ cần có đối với mỗi nhân sự; đồng thời có lộ trình nghề nghiệp cụ thể, phù hợp với từng nhân sự.

Phó Chủ tịch HĐQT MB Vũ Thành Trung nhấn mạnh, nhân sự khi được làm việc tại MB sẽ được ghi nhận kịp thời, đánh giá minh bạch theo KPI dễ dàng, ngân hàng cũng có cơ chế khen thưởng, tạo động lực liên tục và xây dựng văn hóa học tập chủ động, cổ vũ sự tìm tòi, sáng tạo. Những hành động trên nhằm tạo động lực, giữ chân nhân sự chất lượng - đặc biệt là đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng và dữ liệu.

“Các chuyên gia an ninh mạng tại MB chủ động tìm ra các lỗ hổng bảo mật của hệ thống ngân hàng dễ bị tấn công mạng. Với khách hàng, MB đã triển khai các giải pháp hướng dẫn, giáo dục, truyền thông khách hàng cách sử dụng ứng dụng ngân hàng số, giao dịch an toàn và phòng ngừa lừa đảo trực tuyến”, ông Vũ Thành Trung cho biết.

 

Đồng thời, đội ngũ chuyên gia tại MB đã phát triển công nghệ có thể phát hiện những ứng dụng lạ trong điện thoại, cảnh báo khách hàng về nguy cơ có thể bị đánh cắp tiền trong tài khoản. Đồng thời, đội ngũ nhân sự công nghệ tại MB phân tích kỹ hành vi của khách hàng khi sử dụng ứng dụng, nếu có dấu hiệu bất thường là có thể cảnh báo nhanh cho khách hàng về khả năng có dấu hiệu tấn công vào tài khoản. 

Chia sẻ sáng kiến chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý chính sách, quy định nội bộ đang được VIB triển khai, ông Ân Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc VIB nhận thấy một số tồn tại như: Chính sách nội bộ còn thiếu tính hệ thống, chồng chéo, vận hành thủ công và chưa theo kịp yêu cầu kinh doanh và thay đổi của pháp luật. 

Để khắc phục điều này, VIB đã triển khai sáng kiến số hóa chính sách với 5 trụ cột cốt lõi: Cụ thể, việc đánh số định danh và quản lý phiên bản giúp hoạch định hệ thống chính sách chặt chẽ, dễ truy vết và loại bỏ nhầm lẫn; Ứng dụng Intranet phân quyền cá nhân đảm bảo truy cập bảo mật, tăng tính minh bạch và trách nhiệm, số hóa quy trình ban hành văn bản; Giải mã văn bản pháp luật bằng AI giúp hỗ trợ cập nhật chính sách sát thực tiễn và đúng luật, tăng hiệu suất xử lý văn bản. 

Cùng với đó là rà soát tự động và đóng dấu kiểm soát, bảo đảm chính sách luôn được cập nhật và chuẩn hóa, tăng cường cơ chế giám sát chất lượng văn bản. Ngoài ra, thúc đẩy cơ chế phản biện và soát xét chặt chẽ nhằm thúc đẩy văn hoá tranh biện và hợp tác, nâng cao chất lượng văn bản.