Các nhà đầu tư quay lưng với nhiên liệu hóa thạch, Warren Buffett chớp thời cơ gom thêm món hời

Giang 10:25 | 26/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năng lượng là nhóm ngành có định giá rẻ nhất trong chỉ số S&P 500 và tạo ra nhiều tiền mặt nhất. Việc nhiều nhà đầu tư quay lưng với các công ty dầu khí vì e ngại tới động tới môi trường và nhu cầu tương lai cho phép Warren Buffett săn được cổ phiếu với giá rẻ hơn nữa.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Getty Images).

Chớp lấy món hời

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Warren Buffett đã mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ USD vào cổ phiếu dầu khí. Ván cược của ông đã thành công mỹ mãn khi các công ty năng lượng báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022. Nhưng thay vì bán ra để thu về lợi nhuận khổng lồ trong năm nay, nhà hiền triết xứ Omaha vẫn muốn có thêm cổ phiếu.

Tập đoàn Berkshire Hathaway đang tận dụng nhịp giảm giá của hàng hóa trong năm nay để tích lũy thêm một số cổ phiếu dầu khí yêu thích của Warren Buffett. Theo tờ Bloomberg, điều này cho thấy nhà đầu tư nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử đang nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực bị nhiều người ghét bỏ vì tính biến động lớn và tác động tiêu cực đến môi trường.

Đầu tháng này, Berkshire đồng ý chi 3,3 tỷ USD để mở rộng vị thế trong cơ sở sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Cove Point tại bang Maryland. Trong năm 2023, tập đoàn cũng nâng cổ phần trong Occidental Petroleum lên thêm 15% và mua thêm cổ phiếu của 5 công ty thương mại hàng hóa Nhật Bản.

Trong khi đó, các công ty năng lượng con của Berkshire đang nỗ lực vận động để Texas chi thêm ít nhất 10 tỷ USD cho các nhà máy LNG để hỗ trợ cho lưới điện của bang.

 

Xét theo một số khía cạnh, các động thái trên cho thấy Warren Buffett và cộng sự Charlie Munger lại đang săn lùng món hời.

Nỗi lo dai dẳng về các vấn đề môi trường, lợi nhuận yếu kém trong giai đoạn trước đại dịch và rủi ro nhu cầu dành cho nhiên liệu hóa thạch sụt giảm mạnh trong tương lai đã khiến nhiều nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu dầu khí.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, năng lượng là ngành có định giá P/E thấp nhất trong chỉ số S&P 500, nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều tiền mặt trên mỗi cổ phiếu nhất.

Ông Cole Smead, CEO công ty Smead Capital Management, nhận xét: “Mọi người không thấy được các lợi thế kinh tế của ngành năng lượng như Warren Buffett và Charlie Munger.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của than, dầu mỏ và khí đốt cao hơn hẳn so với những ngành khác. Và nhờ sự thịnh hành của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), bạn có thể mua các cổ phiếu dầu khí với giá rẻ hơn nữa”.

Không đơn giản

Warren Buffett không hành động đơn thuần theo kiểu cố gắng gom nhiều cổ phiếu dầu khí nhất có thể. Berkshire vẫn là cổ đông lớn thứ ba của Chevron, nhưng vào quý I/2023, tập đoàn đã bán ra khoảng 1/5 số cổ phiếu sở hữu trong Chevron.

Còn Occidental, Cove Point LNG và các đại gia thương mại của Nhật Bản đều có những tài sản độc đáo cho phép họ đóng vai trò lớn trong việc cung cấp năng lượng trên thế giới, bất kể cuộc cách mạng năng lượng xanh sẽ diễn ra như thế nào.

Ngay cả các khoản đầu tư vào dầu mỏ của Berkshire cũng không hề đơn giản, ví dụ như Occidental. Năm 2019, Warren Buffett bỏ ra 10 tỷ USD để giúp Occidental đánh bại Chevron và mua lại thành công Anadarko Petroleum. Hiện tại, Occidental sở hữu một khu vực có diện tích bằng Jamaica trong mỏ dầu đá phiến lớn nhất và chi phí thấp nhất thế giới.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire năm 2023, Warren Buffett nhấn mạnh sự khác biệt giữa dầu đá phiến và các nguồn dầu thô thông thường ở Nga và Trung Đông. Các giếng đá phiến, chiếm phần lớn sản lượng của Mỹ, có thể được đưa vào sử dụng nhanh chóng và có tuổi thọ ngắn, giúp các nhà khai thác có sự linh hoạt đáng kể trong việc phản ứng với nhu cầu và giá dầu.

Warren Buffett nhấn mạnh: “Tại Mỹ, chúng ta may mắn khi có thể khai thác dầu từ đá phiến, nhưng đó không phải nguồn nhiên liệu lâu năm như nhiều người tưởng”. Ông gọi dầu đá phiến là “dầu ngắn ngày”.

 

Nhu cầu dành cho LNG đã tăng mạnh trong những năm gần đây trong bối cảnh châu Âu thay thế khí đốt từ Nga, châu Á cần thêm năng lượng để phát triển kinh tế và các quốc gia tìm kiếm giải pháp sạch hơn than. Nhưng đây không phải lý do duy nhất khiến Cove Point lọt vào mắt xanh của Berkshire.

Cove Point có một vài lợi thế độc đáo. Nhà máy này nằm ở Maryland trên Bờ Đông nước Mỹ, nơi luật pháp khiến cho các cơ sở mới khó có thể được xây dựng, làm giảm sự cạnh tranh.

Quan trọng nhất là Cove Point có trong tay các hợp đồng dài hạn với những người mua lớn bao gồm Tokyo Gas và Sumitomo. Berkshire là cổ đông lớn thứ hai của Sumitomo, chỉ sau quỹ hưu trí của chính phủ Nhật Bản.

Berkshire Hathaway Energy, công ty sở hữu các cơ sở sản xuất điện và đường dây truyền tải, cũng đang hoạt động mạnh mẽ. Lợi nhuận của bộ phận này đạt kỷ lục 3,9 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần gấp đôi sau 5 năm.

Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới vẫn cần thêm nhiều năng lượng, dù là từ nhiên liệu hóa thạch hay các nguồn tái tạo. Những lo ngại về môi trường có thể đã khiến những người khác xa lánh cổ phiếu dầu khí, nhưng điều đó lại mở ra cánh cửa để Warren Buffett kiếm được lợi nhuận.