Các thành viên EU sàng lọc đầu tư FDI

Nhật Tân 14:06 | 18/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia Trần Minh Trí, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, các biện pháp kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng tiêu cực đến dòng đầu tư FDI toàn cầu.

Theo thông tin từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, dòng vốn FDI toàn cầu ước giảm từ 30-40% trong giai đoạn 2020-2021. Tất cả các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng, nhưng FDI giảm mạnh và rõ ràng trong các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến tiêu dùng như hàng không, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, cũng như các ngành sản xuất và lĩnh vực năng lượng.

Sụt giảm FDI toàn cầu có liên quan rất chặt chẽ đến việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do hậu quả của đại dịch. Ngoài ra, các chính phủ trên thế giới cũng đã tích cực triển khai các chính sách đầu tư ra nước ngoài mới liên quan đến an ninh quốc gia, đồng thời cố gắng cân bằng các rủi ro bằng các chính sách bảo hộ.

Các thành viên EU độc lập sửa đổi luật hiện hành, thông qua các quy tắc mới về FDI

Trước tác động của đại dịch, các thành viên EU đã thực hiện nhiều biện pháp sàng lọc đầu tư FDI.

Các thành viên EU độc lập sửa đổi luật hiện hành, thông qua các quy tắc mới về FDI. Nguồn: tapchitaichinh.vn.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc tế về thương mại và phát triển ( UNCTAD), Cộng đồng châu Âu (EC) đã ban hành Hướng dẫn cho các quốc gia thành viên nhằm sàng lọc các nhà đầu tư ngoài EU muốn đầu tư vào lĩnh vực y tế trong thời kỳ đại dịch và khuyến nghị các thành viên EU sử dụng đầy đủ các cơ chế hỗ trợ sàng lọc đầu tư FDI từ EC để bảo vệ những tài sản nhạy cảm khỏi bị nước ngoài thôn tính trong đại dịch.

Tây Ban Nha đã thông qua Nghị định của Hoàng gia để thắt chặt quy định về đầu tư nước ngoài, đồng thời yêu cầu các vụ mua bán 10% cổ phần trở lên của các công ty trong một số lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ quan trọng, truyền thông và an ninh lương thực… cần phải được sự cho phép từ chính phủ.

Italy mở rộng phạm vi sàng lọc FDI, bao gồm cả hoạt động M&A từ EU, bằng cách thêm tài chính, tín dụng và bảo hiểm vào danh sách các lĩnh vực chiến lược của quốc gia.

Canada công bố đánh giá "tăng cường bảo mật" về các khoản đầu tư nước ngoài vào các công ty Canada nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài lợi dụng việc định giá cổ phiếu thấp trong thời kỳ đại dịch để mua lại bất kỳ công ty Canada nào, đặc biệt là những công ty liên quan đến sức khỏe cộng đồng hoặc hàng hóa và dịch vụ quan trọng.

Pháp thêm công nghệ sinh học vào danh sách các lĩnh vực quan trọng cần có sự chấp thuận trước của chính phủ đối với việc mua lại từ nước ngoài và tạm thời hạ ngưỡng quyền biểu quyết đối với các công ty niêm yết có yếu tố FDI từ 25% xuống 10%.

Đức cũng đã sửa đổi Sắc lệnh Ngoại thương và Thanh toán để nhấn mạnh vào các lĩnh vực y tế công cộng quan trọng và yêu cầu chính phủ phê duyệt trước đối với việc mua lại nước ngoài từ 10% cổ phần trở lên của các công ty Đức liên quan đến phát triển, sản xuất hoặc sản xuất vaccine, thuốc men, thiết bị y tế bảo vệ và hàng hóa y tế khác để điều trị các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời áp dụng các tư vấn của EC về rà soát các khoản đầu tư FDI từ nước ngoài.

Hungary thông qua cơ chế sàng lọc yêu cầu có sự phê duyệt với các dự án đầu tư nước ngoài vào 21 ngành, bao gồm chăm sóc sức khỏe, dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế và các ngành phi y tế.

Ba Lan áp dụng chế độ sàng lọc FDI đối với các thương vụ mua lại nước ngoài từ 20% trở lên trong các công ty niêm yết công khai, các công ty kiểm soát các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, công ty CNTT quan trọng hoặc các công ty hoạt động trong 21 ngành, bao gồm dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế, chế biến thực phẩm và điện nước.

UNCTAD cho rằng tồn tại một số yếu tố tạo ra sự không chắc chắn và rủi ro cho hoạt động đầu tư FDI trong thời gian tới, bao gồm thời gian xảy ra đại dịch, tiêm chủng ở các nước đang phát triển, tốc độ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tình trạng thiếu lao động, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát.

Nỗi lo về lãi suất cao hơn làm suy yếu triển vọng của các nước đang phát triển

Chuyên gia Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng đã có sự tái định vị dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển.

Các nước đang phát triển bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi hoạt động kinh tế bị khóa toàn cầu. Điều này gây ra một loạt các cú sốc liên kết với nhau, tạo ra các chu kỳ kinh tế luẩn quẩn bên cạnh các lỗ hổng nợ hiện có, khiến hầu hết các khu vực rơi vào suy thoái sâu.

Bất chấp việc thắt chặt tài khóa và gánh nặng nợ gia tăng, các nước đang phát triển vẫn phải tự mình xoay sở cuộc khủng hoảng, buộc phải cắt giảm sâu việc làm và dịch vụ công.

Đại dịch COVID-19 tạo sự tái định vị dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển. Nguồn: tapchitaichinh.vn.

Việc dòng vốn luân chuyển nhanh hơn dự kiến và giá hàng hóa phục hồi đã ngăn chặn tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tuy nhiên, tăng trưởng ở hầu hết các nước đang phát triển vẫn còn yếu, các khoản nợ lớn vượt mức thậm chí còn lớn hơn, trong khi các biến thể của virus đe dọa làm sống lại các làn sóng đại dịch mới sẽ làm mất trật tự phục hồi còn non trẻ ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn.

Chuyên gia Trần Minh Trí nhấn mạnh: “Ngay cả khi đại dịch được ngăn chặn, nỗi lo về lãi suất cao hơn đã làm suy yếu triển vọng phát triển với mối đe dọa về một thập kỷ bị mất khác giờ đây có thể xảy ra”.

Hiện niềm tin của nhà đầu tư vào ngành và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay. Các thông báo về dự án đầu tư Greenfield (dự án đầu tư FDI có mức độ kiểm soát cao nhất thuộc về công ty tài trợ) tiếp tục đi xuống (-13% về số lượng, -11% về giá trị trong ba quý đầu tiên 2021).

Sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở các nước đang phát triển, vốn bị thiệt hại đáng kể trong thời kỳ đại dịch với mức giảm hai con số trên hầu hết các lĩnh vực cũng vẫn còn mong manh.

Tổng giá trị của các khoản đầu tư vào lĩnh vực Greendfield được công bố và các thương vụ tài trợ dự án tăng 60%, nhưng chủ yếu là do một số ít các thương vụ rất lớn trong ngành điện (tổng số các dự án đầu tư liên quan đến SDG ở các nền kinh tế đang phát triển vẫn giảm 6%).

“Tài chính dự án quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tiện ích tiếp tục là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư liên quan đến SDG ở các nước kém phát triển nhất tiếp tục giảm mạnh. Các thông báo về dự án Greenfield mới giảm 51% và các giao dịch tài chính cho dự án cơ sở hạ tầng giảm 47%”, ông Trí cho biết.