Các thị trường chứng khoán, hàng hóa châu Á tiếp đà phục hồi

Lê Minh (TTXVN) 07:16 | 16/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi số liệu mới cho thấy lạm phát của Mỹ tháng 10/2023 thấp hơn dự kiến, các thị trường chứng khoán, hàng hóa phiên 15/11 đều tìm được động lực đi lên.

Bảng điện tử chỉ số chứng khoán của Nhật Bản tại sàn giao dịch Tokyo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chứng khoán tiếp đà phục hồi

Các thị trường chứng khoán châu Á chốt phiên 15/11 tăng điểm mạnh, khi lạm phát tại Mỹ thấp hơn dự kiến đưa đến khả năng sẽ có thêm một lần tăng lãi suất, dù các nhà giao dịch nhận định về một loạt các đợt cắt giảm trong năm tới.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,52%, hay 823,77 điểm, lên 33.519,7 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 3,92%, hay 682,14 điểm, lên 18.079 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,55%, hay 16,76 điểm, lên 3.072,83 điểm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2023 tại Mỹ tăng 3,3%, sau khi tăng 3,7% trong tháng 9/2023 và thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. Lạm phát lõi cũng dưới mức ước tính.

Một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng gần đây đã cảnh báo chưa thể dừng tăng lãi suất, khi lạm phát vẫn quá cao sau khi giảm mạnh từ mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ.

Một số quan chức Fed vẫn thận trọng. Chủ tịch Fed tại Chicago, Austan Goolsbee, nói tình hình lạm phát tiếp tục tiến triển, nhưng Fed vẫn cần hành động. Chủ tịch Fed tại Richmond, Thomas Barkin, không cho rằng lạm phát đang quay về mức 2%.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất cho phép các nhà giao dịch nhận định lãi suất có thể giảm đến 1 điểm phần trăm trong năm tới.

Dầu nhận được động lực tăng giá

Giá dầu tăng trong phiên này, khi sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc vượt dự báo, một ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm nay.

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 18 xu, hay 0,2%, lên 82,65 USD/thùng vào lúc 13 giờ 47 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 15 xu, hay 0,2%, lên 78,41 USD/thùng.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 10/2023 khởi sắc hơn, với sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt dự báo, một dấu hiệu đáng mừng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

IEA cùng với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm nay, dù cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế lớn.

Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ giảm, điều làm tăng khả năng Fed hạ lãi suất vào đầu năm tới, đã khiến đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi so với rổ các đồng tiền mạnh khác.

Đồng USD yếu hơn có thể làm tăng nhu cầu dầu, khi khiến dầu rẻ hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.

Vàng vững giá

Giá vàng tiếp tục đà tăng, nhờ đồng USD xuống giá và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, sau khi số liệu lạm phát của Mỹ làm tăng khả năng Fed đã hoàn tất chính sách tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.965,83 USD/ounce vào cuối giờ sáng, sau khi tăng 0,9% trong phiên trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2%, lên 1.969,5 USD/ounce.

Số liệu mới công bố cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng chậm nhất trong hai năm.

Lạm phát thấp hơn dự kiến đã đẩy chỉ số USD xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng, khiến vàng rẻ hơn đối với những người mua bằng các đồng tiền khác.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm.

Hiện có 65% khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ giảm vào tháng 5/2024, so với 34% khả năng vào ngày 13/11.

Lãi suất giảm làm tăng sức hấp dẫn của vàng.