Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ 'giải cứu' ngành du lịch
Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết: Là một doanh nghiệp hoạt động 20 năm trong ngành, bao gồm 45 cơ sở tại 17 tỉnh thành trên toàn quốc với công suất trên 18.500 phòng; 5 sân golf (4 sân golf tại Việt Nam và 1 sân golf tại Australia); 7 khu vui chơi giải trí, công viên chủ đề và Safari, Vinpearl luôn trăn trở với bài toán tự làm mới mình, xây dựng các sản phẩm du lịch có sức hút cao...
Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc, nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp là chưa đủ và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đại diện tập đoàn này đề nghị cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, đại diện Vingroup cho rằng cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh - bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn...
Vingroup đề nghị nâng cao tỷ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh. Đồng thời xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietjet - cho biết, mặc dù ngành du lịch có những nỗ lực và kết quả nhất định, song hàng không vẫn chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng.
Theo bà Thảo, những điểm đến như đảo ngọc Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng là mỗi nơi đang “đóng băng” vài chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ.
Trước thực tế trên, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings cho rằng cần hành động khẩn trương để những điểm trên đến đông vui trở lại. Cụ thể, bà Thảo đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.
“Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia”, bà Thảo nói.
Cùng với đó, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings đề nghị đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.
Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, bà Thảo bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch. Đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các cảng hàng không để tăng năng lực thông qua.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Sun Group kiến nghị Bộ VHTT&DL và Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm.
Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hàng không tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam tại thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ… Theo Sun Group, ngân sách quảng cáo du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… Đồng thời, mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.
Đại diện Sun Group đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…
Về bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài, bà Nguyễn Thái Hoài Anh cho biết, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có. Trong khi ở các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… đang phát triển khá mạnh mẽ loại hình này và thu hút nguồn đầu tư khá ổn định.
Sun Group cho rằng cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…
Trong khi đó, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng đưa ra kiến để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững: Cần xem lại việc cập nhật Chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Chúng ta phải nhìn đến yếu tố cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác trong khu vực, khi đó mới xây dựng được tốc độ tăng trưởng phù hợp. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam phải ở mức nhanh và đưa ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến trong khu vực.
Cần xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng. Cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc và đảm bảo công tác triển khai. Bên cạnh đó, không thể chỉ một mình Cục Du lịch Việt Nam mà còn cần sức mạnh của nhiều ngành liên quan, của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp. Cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững... VNA xin kiến nghị về các chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không và du lịch.
Còn bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG) cũng đưa ra một vài kiến nghị: Đề xuất mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan. Trong bối cảnh các nước trong khu vực chạy đua quảng bá, ưu đãi để kích cầu du lịch, chúng tôi đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đột phá để chúng ta khác biệt và bứt tốc như chính sách mua hàng cho khách du lịch quốc tế và nội địa trong khu phi thuế quan.
Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu quy hoạch chuyên sâu về phát triển thương mại bán lẻ theo hướng hiện đại, bài bản tại khu hải cảng, đường thuỷ, biên giới và các cảng hàng không.
Cuối cùng là thành lập Hội đồng liên kết du lịch mua sắm bao gồm các đại diện từ các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến mua sắm.
Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VPCP, các Bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị kỹ, chu đáo Hội nghị, những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, cho thấy quyết tâm cao phát triển đột phá ngành du lịch, dưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm, quyết liệt, tập trung triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bám sát thực tiễn, ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Nhận định du lịch là lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, liên quan tới các vấn đề toàn cầu, toàn dân, do đó, phải có cách tiếp cận tương đối toàn diện, toàn cầu, toàn dân; "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới.
Theo đó, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao.
Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Liên kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các chủ thể liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và tư nhân, giữa các bộ ngành, địa phương. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu.
Khi tình hình thay đổi thì phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp, theo hướng chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dự báo, đánh giá dựa trên dữ liệu….
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.