Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang lên phương án ứng phó với cơn bão số 14
Các lực lượng chức năng từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đang lên phương án ứng phó với bão số 14 Krovanh bao gồm thông báo cho tàu thuyền trên biển tránh trú tới nơi an toàn và sẵn sàng cứu hộ nếu bão đổ bộ.
Theo thông tin từ VOV, để chủ động ứng phó bão số 14 Krovanh, bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo và hướng dẫn cho 57.515 phương tiện chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong số này hiện có 184 tàu hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa, 19.850 tàu hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại các bến có 37.481 tàu.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng – Đại diện Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 20/12, đơn vị này đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.515 p.tiện/348.974 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn hỗ trợ ngư dân gia cố dây buộc tàu (Ảnh: Đình Hoàng)
Cụ thể: Khu vực quần đảo Trường Sa là 108/753 người, các phương tiện đang di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú; Hoạt động khu vực khác: 9.779 tàu/64.354 người; Neo đậu tại các bến: 47.628 tàu/283.867 người.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, tính đến 6h ngày 20/12/2020, hiện có 138 tàu đang ở trong khu vực ảnh hưởng của bão số 14 trong vòng 24h giờ tới (Bình Định 63; Khánh Hòa 21; Phú Yên 41; Quảng Nam 01; Quảng Ngãi 12).
Trước đó trong ngày 20/12, Quân chủng Hải quân đã điều tàu các đi cứu nạn tàu cá QNg 96739TS, BĐ 98089 TS bị hỏng máy, thả trôi. Tính đến 15h ngày 20/12, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 (thuộc Quân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân) quản lý, vận hành trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã đón 84 lượt tàu với gần 600 ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định vào tránh, trú bão số 14.
Quân Cảng Sài Gòn đã chỉ đạo cho Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 triển khai cho các âu tàu và làng chài trên quần đảo Trường Sa phối hợp với các lực lượng, nhất là cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le, Song Tử Tây triển khai đồng bộ, chặt chẽ các phương án đối phó khi bão đổ bộ vào đảo; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các tàu cá hoạt động trong khu vực kịp thời vào neo đậu tại lòng hồ các âu tàu, làng chài, đảm bảo an toàn, đồng thời triển khai thực hiện tốt các phương án ứng phó khi có tình huống, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, sơ tán ngư dân lên đảo khi có lệnh.
Lo ngại về khả năng bão số 14 có thể đổ bộ vào đất liền khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Phó trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTT đề nghị: “Các bộ ban, ngành địa phương cần tiếp tục thông báo cho các ngư dân vào nơi an toàn; Không được chủ quan do khả năng chống chịu của ngư dân ở khu vực biển Tây còn hạn chế, đây là khu vực tập trung nhiều tàu thuyền nhất nên cần hết sức lưu ý. Lực lượng biên phòng cần sẵn sàng cho phương án cứu hộ, cứu nạn ở nhiều vị trí và ngay cả ven biển. Khu vực này nuôi trồng thủy hải sản rất lớn, cần thông tin kịp thời để các hộ ngư dân đảm bảo an toàn cho người và lồng bè; Phải theo dõi các công trình đê biển, đặc biệt là đê biển Cà Mau, chủ động sơ tán dân nếu khu vực ven biển, cửa sông, bãi ngang gặp nguy hiểm”.
Theo ông Hoài, hiện nay ở miền Trung vẫn đang mưa lớn khi 3 ngày mưa hơn 300mm, mực nước tại các sông ở ĐBSCL đang lên cần hết sức chú ý đến ngập lụt và cân đối tích nước cho mùa hạn. Tiếp tục bắn pháo hiệu để người dân có ý thức cảnh giác hơn, nếu tình hình phức tạp thì cần thiết sẽ kích hoạt tin nhắn SMS đến từng người dân.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, trong 24h tới, bão số 14 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 22/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 90km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo đường đi bão số 14
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 7,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 4h ngày 23/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp. Đến 4h ngày 24/12, vị trí tâm vùng áp thấp ở khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng biển phía Tây khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0-7,0m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phân tích: “Theo dõi mây vệ tinh, ngay sau cơn bão số 14 sẽ rất ít khả năng có các hình thái nhiễu động thiên tai xuất hiện nay. Khả năng đây là cơn cuối cùng năm 2020".
Hà Ly