Cải cách thể chế và đầu tư công là động lực chính để kinh tế bứt phá trong năm 2025

Trang Mai 07:55 | 11/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Đây được xem là thời điểm bản lề, khi những động lực đến từ cải cách thể chế, thúc đẩy đầu tư công và gia tăng dòng vốn FDI chất lượng cao có thể tạo ra bước ngoặt cho tăng trưởng.

Nhiều kịch bản tăng trưởng GDP

Tại Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”, tổ chức sáng 10/4, GS. TS. Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức: chính sách tiền tệ thắt chặt và tình trạng nợ công dai dẳng tại nhiều quốc gia đang phát triển, bất ổn địa chính trị tiếp diễn tại một số khu vực như Trung Đông và Ukraine, sự thay đổi về bộ máy chính phủ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. 

Tuy vậy, chỉ số lạm phát đã hạ nhiệt tại hầu hết các quốc gia lớn, tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dần chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Năm 2024, kinh tế toàn cầu ước tính tăng trưởng ở mức 2,7% đến 3,2%".

Theo GS.TS Chương, trong tình hình đó, năm 2024 có thể coi là một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.

Năng suất lao động của Việt Nam đã có một số cải thiện (tăng 5,14% trong năm 2024) nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia phát triển hơn trong khu vực. 

Cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục quá trình chuyển dịch từ khu vực nông-lâm nghiệp và thuỷ sản sang công nghiệp và dịch vụ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có được bước phục hồi mạnh mẽ, trở thành động lực lớn đóng góp vào mức tăng trưởng cao của nền kinh tế.

"Ở khu vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá ước đạt tới 786,29 tỷ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tuy nhiên, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu”,GS. TS. Phạm Hồng Chương cho biết.

 Ảnh: Vân Miên. 

Từ những phân tích trên, GS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. 

Trước đó, trong Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại 2024 của Trường Đại học Thương mại, có ba kịch bản tăng trưởng GDP được xây dựng cho năm 2025. Trong đó, kịch bản cơ sở – được đánh giá là có xác suất cao nhất – dự báo GDP sẽ tăng 7,52%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở mức 3,87%. Đây là mức tăng trưởng được nhận định là ấn tượng, cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19.

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực trong năm 2024, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt mục tiêu 6,0–6,5% do Quốc hội đề ra. Tổng quy mô GDP thực tế ước đạt 476,4 tỷ USD, cao hơn cả dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 469,7 tỷ USD, qua đó đưa Việt Nam tiến gần tới vị trí nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, vượt Philippines.

Cũng theo kịch bản cơ sở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 dự kiến đạt 884,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 454,19 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 430,26 tỷ USD, tạo ra mức xuất siêu khoảng 23,93 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ đầu tư toàn xã hội so với GDP được kỳ vọng duy trì ở mức 33,5%, phản ánh niềm tin của các chủ thể kinh tế vào triển vọng trung và dài hạn. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của tổng cầu, với mức tăng khoảng 9,18%.

Những động lực chính cho tăng trưởng

Theo GS. TS. Phạm Hồng Chương, để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng. Mặt khác, hệ thống thể chế cũng cần đảm bảo sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, giúp cho các thể chế bao trùm này duy trì và mở rộng.

Khuyến nghị các chính sách liên quan đến thể chế, Giáo sư - Tiến sĩ Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân), đồng chủ biên ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024” nhấn mạnh: “Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy, cần cẩn trọng sử dụng chính sách tiền tệ, tăng cường chính sách lành mạnh tài chính. Từ đó, có chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, giảm thuế có chọn lọc và tăng cường chính sách an sinh xã hội. 

Việt Nam cũng cần tập trung vào nội lực, tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu hút FDI chất lượng cao, khu vực trong nước tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”.

Cũng theo vị này, Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng cường hiệu quả thực thi và đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch; cải cách tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".

Các chính sách về thể chế trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ các rào cản mang tính cấu trúc trong bộ máy hành chính, giảm thiểu chồng chéo chức năng, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và điều hành kinh tế vĩ mô. Nhà nước cần đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ việc “làm thay” sang vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hạ tầng, thể chế, an sinh xã hội và khoa học công nghệ để tạo động lực phát triển bền vững.

Trong một góc nhìn khác, PGS.TS Phan Thế Công, Giảng viên cao cấp Đại học Thương mại phân tích, kinh tế Việt Nam trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ. Đây được xem là thời điểm bản lề, khi những động lực đến từ cải cách thể chế, thúc đẩy đầu tư công và gia tăng dòng vốn FDI chất lượng cao có thể tạo ra bước ngoặt cho tăng trưởng.

 Thúc đẩy đầu tư công và gia tăng dòng vốn FDI chất lượng cao có thể tạo ra bước ngoặt cho tăng trưởng kinh tế trong 2025. Ảnh: Báo Chính phủ.

Năm 2025, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, đồng thời cần duy trì dư địa chính sách để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có sức lan tỏa cao như đầu tư hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiệu quả chi tiêu công cần được nâng cao, trong khi nợ công phải được kiểm soát trong giới hạn an toàn.

Một trong những động lực tăng trưởng chủ đạo trong năm 2025 được Báo cáo nhấn mạnh là đầu tư công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự kiến sẽ có chuyển biến rõ nét nhờ quyết tâm chính trị từ trung ương đến địa phương, đặc biệt tại TP HCM và Hà Nội.

Việc thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành hay các dự án năng lượng xanh sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới khu vực doanh nghiệp và thị trường lao động.