Cải thiện môi trường kinh doanh: Chọn hải quan làm thí điểm
Với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung”, VBF giữa kỳ 2018 đã chỉ rõ những bất cập liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời, đưa ra những giải pháp khắc phục thời gian tới.
Không phải tất cả các bộ, ngành đều hành động thực chất
Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại VBF giữa kỳ 2018.
Theo đó, sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho DN.
Sau 3 năm thực hiện cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%. Trong số 164 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra thì có tới 63 danh mục chưa được các bộ ngành ban hành chính thức. Thời gian cho kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao gấp ba lần so với các nước ASEAN-4.
Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh.
“Nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. Bốn Bộ khác là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến DN. Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì DN không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”, ông Lộc khẳng định.
Nhiêu khê trong việc sa thải
“Một trong những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng hiện nay đối với các công ty là việc chấm dứt hợp đồng một cách hợp pháp đối với những người lao động nghỉ quá 5 ngày mà không báo trước. Theo Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải triệu tập nhân viên đến cuộc họp kỷ luật lao động cuối cùng thông qua đường bưu điện. Trong trường hợp 3 thư mời được gửi đi nhưng người lao động bị kỷ luật không trình diện và không có phản hồi, thì trường hợp này sẽ được coi như là bằng chứng để chấm dứt hợp đồng. Điều này là rất phức tạp và gây khó dễ cho DN”, ông Richard Leech phản ánh.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, quy định một cách hạn chế về việc làm thêm giờ trong vòng 200 đến 300 giờ làm mỗi năm trong Bộ luật Lao động và tăng lên 300 giờ mỗi năm đối với một số ngành trong Nghị định số 43/2013 của Việt Nam vẫn rất thấp so với các quốc gia láng giềng. Điều này sẽ làm cản trở việc đạt được mục tiêu sản xuất ở hầu hết công ty sản xuất ở Việt Nam, theo vị đại diện BBGV.
Tránh làm thị trường ô tô bất ổn kéo dài
Trưởng nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy thuộc Diễn đàn kinh tế Việt Nam, ông Toru Kinoshita cho rằng Chính phủ cần loại bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 140/2016/NĐ-CP để tránh làm thị trường ô tô trở nên bất ổn kéo dài.
“Việt Nam cần đảm bảo các chính sách về thị trường được đối xử công bằng, rõ ràng và có thời gian hợp lý để các DN kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, cần có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp”, ông Toru Kinoshita nói.
Ông Toru Kinoshita đề xuất thêm: Việt Nam nên mời các nhà cung cấp linh kiện lớn tham gia vào các cuộc đối thoại về ngành ô tô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng nhằm phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.
Chọn Tổng cục Hải quan thí điểm dự án cải cách thủ tục hành chính
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), ông Koji Ito đề xuất thông qua việc chọn Tổng cục Hải quan để tổ chức thí điểm dự án đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính; phối hợp với Hiệp hội DN các nước thực hiện các hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục hải quan.
Chủ tịch Koji Ito khuyến nghị để ngăn chặn tình trạng cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ đó giảm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, làm mất đi cơ hội để kết nối DN Việt Nam với DN nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP.
“JCCI khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề và có những giải pháp căn bản như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả 2 chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay. JCCI mong muốn Việt Nam sẽ khai thác được những nguồn vốn cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Koji Ito nhấn mạnh.
Giảm gánh nặng thuế
“Lựa chọn đúng đắn không phải là bảo vệ thị trường nội địa mà Việt Nam cần tiếp tục là một trong những nước có nhiều nhất các hiệp định thương mại tự do. Việt Nam cần phê chuẩn các hiệp định đã ký và cải cách hệ thống luật pháp để tuân thủ các hiệp định này”, ông Tomaso Andreatta khuyến nghị.
Hạn chế của Việt Nam trong thu hút công nghệ cao cũng được ông Tomaso Andreatta chỉ rõ: Mặc dù có dân số đông, nhưng quy mô tiền tệ của thị trường đối với hầu hết các sản phẩm, từ tiêu dùng đến công nghiệp đều rất hạn chế và người tiêu dùng Việt Nam hầu hết mua hàng sản xuất ở châu Á.
Nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và điều này một lần nữa đã cô lập các DN trong nước ra khỏi các DN FDI.
“Giảm gánh nặng thuế và hải quan sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các công ty trong nước để đầu tư vào kiến thức, công nghệ và thu hút các công ty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa. Từ đó, mở cánh cửa hợp tác giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài”, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.