Cán bộ, nhân viên thu nhập thấp vẫn khó mua nhà ở xã hội: Chờ quy định mới

14:47 | 23/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng cho biết ghi nhận ý kiến cử tri, sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể theo phản ánh của cử tri, quy định nhà ở hiện nay còn có nhiều bất cập, vì không nhắm đến các đối tượng khó khăn về nhà ở, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, giáo viên… có thu nhập thấp.
 
Cán bộ, nhân viên thu nhập thấp vẫn khó mua nhà ở xã hội: Chờ quy định mới - ảnh 1Bộ Xây dựng sẽ bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trả lời kiến nghị của cử tri về nội dung nêu trên, phía Bộ Xây dựng cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nếu đáp ứng các điều kiện: về nhà ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng diện tích sàn nhà ở trung bình của hộ gia đình nhỏ hơn 10m2/người); điều kiện cư trú (có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội); điều kiện thu nhập (không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên), thì được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo đó, những đối tượng trên được quyền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương (có giá thành thấp hơn nhà ở thương mại cùng khu vực 20-30% do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước) và được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Tại khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định: Đối tượng là cán bộ, công chức, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, thì thuộc diện được thuê nhà ở công vụ.

Tuy nhiên, để được hưởng chính sách này, các đối tượng phải thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu 10m2/người.

Với những quy định khó trên, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Bình Thuận để sửa đổi, bổ sung chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã nhận được kiến nghị của cử tri đề nghị thống nhất quy định thời hạn cho vay vốn ưu đãi để thuê mua nhà ở xã hội trong từng thời kỳ. Theo đó, cử tri đề nghị quy định thời hạn 20 năm cho giai đoạn 2021-2025. Quy định hiện hành là 15 năm.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp đề xuất này trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Dự kiến sẽ trình Chính phủ vào Quý IV/2020.
 

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Trong đó, có 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha. Hiện nay đã có 248 dự án hoàn thành với tổng diện tích hơn 5.175.000m2 sàn, quy mô khoảng 103.500 căn hộ; 264 dự án đang triển khai.


Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. So với mục tiêu đề ra việc phát triển NƠXH đến nay mới đạt khoảng 41,4%. Nguyên nhân là do một số cơ chế để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở còn bất cập.


Nguyễn Triệu