Cán cân thương mại của Việt Nam trong nửa đầu tháng 6 tiếp tục thâm hụt

18:07 | 20/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 15 ngày đầu tháng 6/2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt 25,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD, giảm gần 2 tỷ USD.

Trong 15 ngày đầu tháng 6/2021 nhập siêu ghi nhận ở mức 1,35 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước nhập siêu gần 2 tỷ USD…

Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt hơn 1,96 tỷ USD, giảm khoảng 50 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD, giảm mạnh khoảng 800 triệu USD; máy móc thiết bị đạt 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 260 triệu USD.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,65 tỷ USD, giảm gần 800 triệu USD so với nửa cuối tháng 5/2021. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là hai nhóm hàng nhập khẩu lớn với kim ngạch đạt 2,73 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 15 ngày đầu tháng 6, đã có 6.172 ô tô các loại hoàn thành thủ tục thông quan vào thị trường Việt Nam, với giá trị vượt trên 146 triệu USD, nâng tổng số xe nhập khẩu kể từ đầu năm đến ngày 15/6 lên con số 71.972 xe, với tổng giá trị lên đến hơn 1,65 tỷ USD.

Cán cân thương mại của Việt Nam trong nửa đầu tháng 6 tiếp tục thâm hụt - ảnh 1

Trong 15 ngày đầu tháng 6 năm 2021 nhập siêu ghi nhận ở mức 1,35 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước nhập siêu gần 2 tỷ USD

Các công ty sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã chi ra hơn 242 triệu USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong 15 ngày đầu tháng 6, nâng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 15/6 của ngành này đạt mức hơn 2,398 tỷ USD.

Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước đạt 288,68 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,67% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,65 tỷ USD, giảm gần 800 triệu USD so với nửa cuối tháng 5. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là hai nhóm hàng nhập khẩu lớn đạt 2,73 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15/6, nước ta nhập siêu khoảng 1,96 tỷ USD.

Sau nhiều năm liên tiếp duy trì xuất siêu, cán cân thương mại đã chuyển hướng sang nhập siêu. Theo nhận định của các chuyên gia, điều này không đáng lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu. Ví dụ như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi trở lại như điện tử, điện thoại di động… cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, chỉ một số bộ phận bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.

Trong báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

Thành Văn

Xem thêm: Vốn ngoại khiến thị trường BĐS công nghiệp sôi động