Cần hơn 157 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy trong 10 năm tới
Ngày 1/6, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lấy ý kiến tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy thời kỳ 2021-2030 thì cần đến hơn 157 nghìn tỷ đồng tổng nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy trong giai đoạn này.
Như vậy, bình quân mỗi năm cần đến hơn 15.700 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn vốn giành cho việc đầu tư để nâng cấp, cải tạo hệ thống luồng tuyến đường thủy từ vốn ngân sách khoảng 28.919 tỷ đồng; còn đầu tư phát triển hệ thống cảng thủy nội địa (vốn doanh nghiệp) khoảng 128.614 tỷ đồng.
Quy hoạch cũng đề xuất 19 dự án cần ưu tiên tập trung trong 10 năm tới, với 18 dự án dùng vốn ngân sách, vốn ODA để nâng cấp tĩnh không cầu, luồng tuyến; 1 dự án đầu tư tổng thể các cảng thủy theo quy hoạch dùng vốn doanh nghiệp.
Các dự án cải tạo cầu, nâng cấp luồng tuyến được ưu tiên đầu tư gồm: Nâng cấp cầu Đuống, kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nâng cấp tĩnh không các cầu đường bộ qua đường thủy khu vực phía Nam, nâng cấp tuyến hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (hành lang số 2)…
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nguồn vốn ngân sách (gồm cả vốn ODA) sẽ được ưu tiên dùng cho các dự án tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trên hành lang, luồng tuyến, nhằm tăng hiệu quả vận tải và kết nối vận tải thủy với các phương thức vận tải khác.
Ở một diễn biến gần đây nhất, liên quan đến lĩnh vực vận tải, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu thứ 5 của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vừa được vận chuyển an toàn từ cảng Hải Phòng về khu depot tại Nhổn. Trong đêm 28/5, dự án hoàn thành đóng điện nguồn cho 8,5km đoạn tuyến trên cao, từ depot Nhổn đến ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải) để sẵn sàng chạy thử nghiệm. Đến nay, dự án đã nhận được 5 trong tổng số 10 đoàn tàu để chuẩn bị cho việc đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, dự án bắt đầu chạy thử nghiệm đoàn tàu từ khu depot đến ga S5, với chiều dài hơn 5km.
Theo MRB, các bước thử nghiệm tại dự án gồm: Kiểm tra nghiệm thu tĩnh đoàn tàu trong khu depot (không điện và có điện); kiểm tra nghiệm thu chạy thử trên tuyến chính; kiểm tra nghiệm thu liên động tích hợp với các hệ thống thiết bị của dự án; nghiệm thu chạy thử (với sự tham gia của đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống) và sau cùng mới nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
Huy Hùng
Xem thêm: BRG tiếp tục chuỗi dự án trách nhiệm xã hội hướng tới trẻ em gặp khó khăn